Thanh Hóa hiện có 1.085 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, tổng số lao động tham gia khai thác hải sản trên biển hơn 25.000 người và hàng chục nghìn lao động tham gia chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Thanh Hóa đang chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, báo cáo số liệu tàu cá làm cơ sở công bố tàu cá “2 không,"“3 không” cũng như khẩn trương hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá trước ngày 15/10.
Từ nay đến ngày 15/10 nếu vẫn còn để tàu cá cập cảng tự phát, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu kiểm điểm tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng phát sinh nhiều tàu cá “2 không,” "3 không"...
Các đơn vị, địa phương tăng cường cao điểm xử lý răn đe các chủ tàu cá, phương tiện không phối hợp trong việc thực hiện hồ sơ đăng ký tàu cá "2 không," “3 không."
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại hạn chế, vi phạm của tàu cá; trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với địa phương, lực lượng biên phòng, hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá trước ngày 15/10.
Đồng thời khẳng định đây là thời điểm quan trọng để Thanh Hóa ra quân khắc phục tồn tại, hạn chế, chuẩn bị các điều kiện hồ sơ để phục vụ đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 11 tới đây.
Thời gian tới, các địa phương, đơn vị, lực lượng liên quan ở Thanh Hóa sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực ven biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng cá, cửa lạch, bến cá, khu neo đậu tự phát.
Từ đó kiên quyết xử lý đối với các tàu đi khai thác không đủ thủ tục giấy tờ, ngắt kết nối giám sát hành trình, khai thác sai vùng, sai nghề đăng ký. Đồng thời chỉ đạo các đồn biên phòng làm rõ trách nhiệm vì sao các tàu cá có vi phạm vẫn được xuất bến đi khai thác, tàu có vi phạm bị phát hiện không bị xử lý...
Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, thời gian qua, các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển ở Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lực lượng, thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, các cửa lạch, tại cảng cá và các vụ việc phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá.
Qua kiểm tra đã phát hiện lập biên bản xử lý vi phạm 105 trường hợp với tổng số tiền xử phạt trên 1,13 tỷ đồng...
Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản; tình trạng tàu cá không cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác mà bốc tại bến cá tự phát tại kênh De (huyện Hậu Lộc), sông Bạng (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn)...
Một số chủ tàu tự ý cải hoán máy, cải hoán nghề sang các nghề cấm phát triển, hạn chế phát triển (nghề lưới kéo) để đi khai thác dẫn đến không thể đăng kiểm, cấp phép theo quy định./.
Nguồn: Thanh Hóa sẽ kiểm điểm tổ chức, cá nhân nếu vẫn để tàu cá cập cảng tự phát | Vietnam+ (VietnamPlus)