Với hơn 1.000km đê lớn nhỏ, Thanh Hóa được xếp vào những địa phương có chiều dài đê lớn nhất cả nước.
Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa vào đầu mùa mưa bão cho thấy Thanh Hóa vẫn còn 34 vị trí đê và kè, cống trên đê được xác định là trọng điểm xung yếu không bảo đảm an toàn, trong số đó có 14 trọng điểm trên đê từ cấp 3 đến cấp 1 và 20 trọng điểm trên đê cấp 4 và 5.
Huyện miền núi Thạch Thành hiện có 3 tuyến đê dọc sông Bưởi, với chiều dài 37,25km, có nhiệm vụ bảo vệ dân sinh, kinh tế, trung tâm huyện lỵ và các công trình xã hội phúc lợi.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa lũ và nước sông dâng cao đã gây sạt lở một số vị trí dọc 2 tuyến đê sông Bưởi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của các hộ dân sinh sống 2 bên bờ sông.
Điển hình như đoạn đê từ K0+850-K0+900 trên tuyến đê tả sông Bưởi thuộc khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân được Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành xác định là một trọng điểm đê cần bảo vệ trong mùa mưa lũ năm 2024.
Đây là tuyến đê có nhiệm vụ bảo vệ vùng dân cư, kinh tế, chính trị trọng điểm của huyện Thạch Thành, diện tích đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, trên mặt đê đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị bong tróc tạo thành các hố lồi lõm, đọng nước mưa.
Tại vị trí mái đê phía đồng có hiện tượng thẩm lậu nếu không kịp thời xử lý nước thấm qua nền đê sẽ mang theo đất trong thân đê gây sụt lún thân đê, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến vỡ đê. Nhiều người dân lo sợ về nhiều sự cố đê xảy ra, gây mất an toàn và ảnh hưởng cuộc sống người dân ven đê.
Nguyễn Thị Lệ (khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) cho biết “Tuyến đê này là trọng điểm đê điều cũng là tuyến giao thông chính của bà con nhân dân. Do được đầu tư đã lâu, tuyến đê xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn nhất là trong mùa mưa lũ. Đê cũ, ọc ạch như này nên mỗi mùa mưa lũ chúng tôi chỉ biết bỏ của chạy lấy người. Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên cấp trên đề nghị các cấp chính quyền đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng tuyến đê cho an toàn để bà con yên tâm trong mỗi mùa mưa lũ.”
Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập, chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua huyện Thạch Thành đã triển khai các phương án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2024.
Ông Nguyễn Đức Luận, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành cho biết từ năm 2023 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 12 công trình phòng, chống thiên tai; trong đó, 6 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 5 công trình đang trong quá trình triển khai thi công, với tổng vốn đầu tư hơn 164 tỷ đồng. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã đảm bảo an toàn phòng, chống lụt bão trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tương tự, thành phố Thanh Hóa có 3 hệ thống sông, gồm sông Chu, sông Mã, sông Lạch Trường với nhiều tuyến đê kiên cố. Ngoài hệ thống các sông chính còn có 5 sông đào bao gồm, sông Thọ Hạc, sông Cốc, sông Lai Thành, sông Nhà Lê, kênh Bắc, trước đây được xây dựng để tưới, tiêu, chống hạn, chống úng, lụt cho nhân dân.
Trước mùa mưa bão năm 2024, thành phố Thanh Hóa đã tổ chức đánh giá hiện trạng công trình đê và các công trình trên đê như cầu, cống, cống qua đê, từ đó kịp thời phát hiện ra các hư hỏng nhỏ để tổ chức duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo phòng chống thiên tai hàng năm.
Năm 2024, thành phố Thanh Hóa có 3 trọng điểm xung yếu cần theo dõi trong mùa mưa lũ; trong đó, phải kể đến đoạn đê từ K49+950-K50+950 (xã Hoằng Đại).
Trong 2 năm 2021, 2022 đoạn đê này đều bị lún mặt lề và mái đê dài dọc theo đê 1.000m, chỗ sâu nhất 1,3m, vết nứt, lún sát với bêtông mặt đê sâu 0,1-1m.
Hiện tại đoạn đê này đã được nhà nước đầu tư tu bổ nâng cấp theo dự án xử lý khẩn cấp sạt lở đê tả sông Mã. Đây là công trình mới thi công xong nhưng chưa thử thách qua lũ lớn nên năm 2024 tiếp tục được Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa xây dựng phương án trọng điểm loại 3.
Ông Lê Thiên Phúc, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thanh Hóa khẳng định để chủ động phòng chống bão lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra trong mùa lụt bão năm 2024 và những năm tiếp theo Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đang tập trung vật tư dự trữ để chống tràn cho 20/36,7km đê và các sự cố có thể xảy ra khi có lũ; theo dõi chặt các điểm đê xung yếu có thể xảy ra nứt, sạt, trượt, thẩm lậu, đùn sủi, tổ mối và các đoạn đê có nhiều ao hồ, ruộng trũng, đoạn đê có địa chất thân đê mềm yếu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết tỉnh Thanh Hóa luôn coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu; trong đó việc đầu tư, cân đối vốn cho các công trình đê điều, các trọng điểm xung yếu được ưu tiên, bố trí vốn kịp thời, đầy đủ.
Tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai các phương án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2024.
Hiện Thanh Hóa đang triển khai, thi công 65 công trình đê điều, hồ đập; trong đó, có 26 công trình được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và 39 công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh./.
Nguồn: Thanh Hóa còn 34 vị trí đê và kè, cống xung yếu không bảo đảm an toàn | Vietnam+ (VietnamPlus)