Vội vã xếp đôi bộ bàn ghế nhựa xanh vào mái hiên, dẹp rổ rau sống sang chỗ kín đáo hơn để tránh cơn mưa bão đầu mùa sắp ập xuống, chị Lan thở dài: “Thời trước dịch chỉ cần một xe du lịch 45 chỗ dừng lại cho khách xuống nghỉ là tôi bán sạch hàng của cả buổi, chứ giờ ngồi hóng khách lẻ lác đác, đến cuối ngày hết được hàng là mừng rồi. Thời buổi làm gì cũng khó.”
Chủ quán bún chả ở khu vực Văn Miếu (Hà Nội) chuyên bán cho khách du lịch vừa nướng chả vừa thẫn thờ nhìn cơn mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt. Chị Lan cũng như rất nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu trú, vận chuyển… nhỏ lẻ cho du khách hầu hết đang rơi vào “quãng trầm” hoạt động kinh doanh.
[Việt Nam mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách ngoại quốc]
Tuy chỉ gián tiếp tham gia vào nền kinh tế xanh bằng những dịch vụ phụ trợ nhỏ lẻ, song các lao động “tiểu ngạch” mà nhiều người tự gọi vui là “doanh nghiệp siêu cá thể” như chị Lan… ở các điểm đến lại là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng. Và, giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hành trình của những “cá nhỏ” này lại càng thêm phần gian truân. Họ đang phải chịu một số phận bấp bênh theo “con nước” hơn bao giờ hết.
“Đi câu” ở Thủ đô
Những tưởng khi đỉnh điểm của đại dịch qua đi, cả nền kinh tế xanh sẽ nhanh chóng bừng tỉnh và phục hồi, song thực tế, với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ phục vụ trong ngành du lịch lại giống như một cơ thể ốm yếu vừa trải qua cơn bạo bệnh.Thuyền lớn sóng to, thuyền bé sóng nhỏ. Những cửa hàng ăn uống, khách sạn phố cổ, xe du lịch… “lóp ngóp” đối diện với chặng đường hồi sức đầy rẫy gian nan. Các hộ kinh doanh hồ hởi đón tin vui của thị trường du lịch khi lượng khách quốc tế đang hồi sinh, song vẫn còn đó canh cánh nhiều nỗi niềm.
Quyết định “chơi lớn” khi chuyển quán từ ngõ nhỏ ra phố lớn với diện tích hàng trăm m2 để hướng tới phục vụ khách du lịch, không may cũng vừa lúc dịch COVID-19 bùng phát, Vũ Hải Yến (chủ Hien Minh Tea, Văn Miếu Quốc Tử Giám) thở dài: “Đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang, chúng tôi lay lắt mãi cuối cùng cũng sống sót qua đại dịch. Thời điểm dịch bệnh vừa không có khách mà mỗi tháng tôi vẫn phải ‘gánh’ 60 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, vì tiếc mặt bằng đẹp, tiếc công và khoản kinh phí đầu tư sửa chữa…”
Theo chị Yến, nếu những năm trước khách trà ra vào tấp nập và tới 90% là khách ngoại quốc (chủ yếu đến từ châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan…), họ không chỉ đến thưởng trà mà còn tham gia những buổi workshop tìm hiểu văn hóa Trà Việt, thì nay dù du lịch đã hoạt động bình thường trở lại nhưng quán chỉ lác đác người. Hỏi con số thống kê, chị Yến khẽ lắc đầu: “Khách ít quá nên chúng tôi cũng chẳng buồn đếm nữa.”
Dẫu vậy, chị Yến cũng ghi nhận đang có sự thay đổi rõ rệt khi năm nay có thêm dòng khách thực sự am hiểu về trà đến từ Hàn Quốc, Singapore, Indonesia.
Với những mô hình kinh doanh như của chị Yến, mỗi ngày tiền mặt bằng là 2 triệu đồng, chưa kể tiền nhân công, điện, nước… trong khi đó quán thường xuyên ngày đông thì 4-5 bàn khách, hôm vắng “như chùa Bà Đanh.” Yến bảo áp lực để vượt qua cơn “bĩ cực” là không nhỏ, bởi đã chọn lập nghiệp giữa con phố đông khách du lịch như Văn Miếu với mặt bằng lớn hàng trăm mét vuông, tới giờ không còn đường lui.
Không có tiềm lực kinh tế như Yến, có những người chỉ có thể bán sức lao động như chú Bình. Người đàn ông nhỏ thó, gày gò, tóc pha sương và gương mặt sạm nắng ấy đang oằn mình, guồng chân cố đạp chiếc xích lô dưới trưa nắng Hè oi ả chở hai vợ chồng ông khách Tây to lớn vạm vỡ, thi thoảng ngoái lại bắt chuyện.
“Cuốc” xích lô này chú bảo được 200 nghìn đồng, chở khách lòng vòng quanh Bờ Hồ hay vào mấy phố cổ trong vòng 50 phút. “Nghề này như đi câu ấy cô, ngày nào tạnh ráo, hên thì tôi chở được 5-7 chuyến. Có ngày ngồi hêu chẳng ai đi thì về không, móm nặng vì còn phải ăn, phải ở trọ, đủ thứ…,” chú Bình chia sẻ.
Đâu chỉ chú Bình, còn rất nhiều lao động đang hàng ngày sống nhờ vào du khách quanh khu vực Bờ Hồ, phố cổ đều chung cảnh ngộ. Khách nội địa ít chọn loại hình dịch vụ này, còn khách ngoại giờ cũng có nhiều ưu tiên hơn nên những người đạp xích lô luôn sống trong cảnh thấp thỏm hên xui mỗi ngày.
Thủ đô phồn hoa mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng sự thực mưu sinh cũng không dễ dàng.
Những đứa con của biển…
Nếu những thành phố lớn như Hà Nội là trung tâm du lịch lớn, điểm đến có thể du lịch bốn mùa thì nhiều địa phương ở miền Bắc không có được may mắn ấy.
Thanh Thảo, quản lý Hương homestay (Hải Tiến, Thanh Hóa) đã được 4 năm, cho biết du lịch ở đây mang tính mùa vụ, chỉ kéo dài 2 tháng và lay lắt lắm được sang tháng thứ ba (từ tháng 6-8). “Khách năm nay vào tháng cao điểm cũng chỉ bằng 70% những năm trước. Cuối tuần thường đông khách chứ ngày thường tỉ lệ kín phòng rất thấp, thậm chí ngay trong tháng Bảy có những ngày giữa tuần gần chục phòng trong khu homestay cũng đóng cửa im ỉm,” Thảo cho biết.
Không thể chỉ dựa vào nguồn thu từ công việc phục vụ khách ở homestay, Thảo bảo cô phải buôn thêm hải sản, rồi “xoay” đủ kiểu bằng việc nhận làm thêm dịch vụ đi chợ, nấu nướng cho khách ở homestay có nhu cầu với giá từ 170.000-400.000 đồng/bữa tùy theo quy mô bữa ăn phục vụ một nhà hay nhiều gia đình để tăng thu nhập.
Nhanh nhẹn, khéo léo và biết cách chiều khách nhưng điều đó cũng chẳng thể đủ giúp Thảo thu hút đông khách hơn đến khu homestay bởi tính mùa vụ của nghỉ dưỡng biển miền Bắc.
Dưới bóng phi lao rào rào gió biển ngày oi nồng, hai bố con anh Cường (sinh năm 1979) người ngồi người nằm trên chiếc ghế dài uể oải, thi thoảng lại phe phẩy đám nhặng bâu vào mấy miếng xúc xích rán, quả dừa đã hết nước nằm lăn lóc dưới chân… ở bãi C biển Hải Tiến. Hai bố con mừng quýnh khi thấy có khách, vội bật dậy sắp xếp lại bàn ghế.
Là ngư dân, Hè không phải mùa đi biển nên anh Bình ở nhà phụ vợ bán nước cho khách du lịch. Người đàn ông vẻ ngoài có phần nhàu nhĩ, đen trũi ấy có tới 5 đứa con, lít nhít từ 3 đứa sinh ba năm nay mới vào lớp 1 đến đứa lớn nhất dù đỗ đại học nhưng đành chọn con đường thoát ly ra Thủ đô mưu sinh sớm để nuôi thân vì bố mẹ không “gánh” nổi.
Thậm chí, qua ba tháng Hè, biển hết khách vợ anh Cường cũng dẹp luôn hàng quán đi làm phụ hồ. Lao động vất vả, cực nhọc từ sớm đến tối mịt cũng chỉ được 300.000 đồng/ngày công.
Vừa nhìn theo tốp du khách đang rảo bộ vào sâu rừng phi lao, anh bảo: “Thời buổi của khó người khôn, nhiều người chỉ vào đây chụp ảnh chán chê, có khi tới hai, ba tiếng rồi quay về luôn chứ cũng không nán lại uống nước chi đâu. Như hôm qua, hôm kia ế lắm, hai bố con ngồi hêu cả ngày mà hôm thì 180 nghìn đồng, ngày nhiều hơn chỉ được 280 nghìn đồng là cả tiền hàng lẫn lãi đấy cô.”
Dịch vụ siêu nhỏ lẻ ăn theo mùa vụ du lịch như gia đình anh Cường bao năm nay vẫn chịu cảnh bấp bênh theo “con nước” như vậy. Có khách thì có đồng ra đồng vào, hết mùa du hí thì cả nhà lại tứ tán, cha mẹ mỗi người mỗi nơi mưu sinh nhọc nhằn mà con cái vẫn chịu cảnh thất học.
“Vỡ kế hoạch với ba đứa út sinh ba nhưng tôi vẫn cố nuôi vì con cái là lộc trời cho. Mẹ chúng không có sữa nên phải nuôi bộ, tiền sữa ngoài mấy năm tổng kết hết 400 triệu. Thế là sạt nghiệp, tay trắng làm lại từ đầu ở tuổi ngoài 40 đấy cô, sụn lưng,” anh Cường thở dài cái thượt rồi nhìn về phía biển.
Buổi chiều hôm ấy có cơn giông bất chợt kéo đến, mấy đứa út con anh Cường đen nhẻm, gầy nhẳng đến vêu vao mà anh gọi vui là “tập đoàn” vẫn thi nhau lao ùm ùm trên sóng, ướt rượt. Là những đứa con của biển, chúng đã quá quen với những cơn giông đen sầm trời và sấm chớp đì đùng bủa vây như thế.../.