Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tỉnh này phát hiện hơn 4.700m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa và hơn 9.000m2 đất chuyển mục đích sử dụng đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép...
Số đất này được tỉnh Thái Nguyên phát hiện trong quá trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định.
Năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng ngân sách xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị với những chỉ tiêu, định mức cụ thể, tập trung vào lĩnh vực trọng tâm như: Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước...
Công tác thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được lồng ghép trong các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.
Qua đó, toàn tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 3.000 cơ quan, tổ chức, cá nhân, phát hiện trên 370 trường hợp vi phạm, kiến nghị xử lý kinh tế hơn 17 tỷ đồng.
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện tiết kiệm triệt để kinh phí hội nghị, hội thảo, chi tiếp khách, khánh tiết, lễ kỷ niệm... với tổng số tiền tiết kiệm hơn 17,8 tỷ đồng.
Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công và quy định quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, tiết kiệm kinh phí trong đầu tư xây dựng hơn 43 tỷ đồng.
Đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, Thái Nguyên thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định, phát hiện hơn 4.700m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa và hơn 9.000m2 đất chuyển mục đích sử dụng đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép...
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, thông qua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật nói chung và chính sách pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư công, tài sản công nói riêng.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hầu hết cơ quan, đơn vị trong tỉnh gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tuy vậy, trong công tác quản lý sử dụng ngân sách, sử dụng vốn đầu tư, quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản tại một số đơn vị còn sai phạm về chấp hành kỷ luật tài chính, chế độ định mức. Cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn bất cập, nhất là các lĩnh vực: quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản công...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phổ biến sâu rộng Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tỉnh tăng cường thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao công tác giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thái Nguyên tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, đảm bảo việc chấp hành chính sách, pháp luật, bảo vệ đất đai, tài nguyên, môi trường theo đúng quy định, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, thực hiện quy trình thanh toán vốn theo đúng quy định, rà soát dự án có khả năng giải ngân thấp để điều chuyển vốn cho dự án có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao./.