Thái Nguyên: Dấu hiệu buông lỏng quản lý, giám sát thi công dự án nâng cấp đường vào ATK Định Hóa
16:33 - 11/12/2023
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường tỉnh dẫn vào An toàn khu (ATK) Định Hóa chậm tiến độ, cột điện nằm trên phần đường đã thảm nhựa, sử dụng thiết bị, máy móc không đảm bảo an toàn kỹ thuật để thi công…
Cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2023, PV Tạp chí GTVT thực địa trên tuyến Đường tỉnh 264B (ĐT264B), đoạn từ ngã ba Bình Yên đến trung tâm ATK Định Hóa, đang trong quá trình thi công nâng cấp, cải tạo trong tình trạng dở dang. Một số đoạn đã thảm nhựa xong, kẻ vạch sơn, một số đoạn thi công dang dở, một số vị trí đang thi công nhưng chỉ có một vài máy móc, nhân công làm việc…
Trên đoạn tuyến thuộc phạm vi dự án không hề có biển thông tin công trình, thông tin về đơn vị quản lý dự án, thi công, giám sát thi công.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, dự án trên do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đã triển khai từ 2 - 3 năm trước và đang trong tình trạng thi công cầm chừng.
Cụ thể, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 đến Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa có chiều dài 35km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, điểm đầu từ Ngã ba Km31 - Quốc lộ 3 thuộc địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên và điểm cuối tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa (giáp địa phận tỉnh Tuyên Quang). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên.
Tuyến đường khi hoàn thành có bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 8m, mặt đường được thảm lớp bê tông nhựa dày 7cm, vận tốc thiết kế 60km/h, xây dựng đồng bộ với công trình thoát nước và hệ thống đảm bảo an toàn giao thông hoàn chỉnh.
Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 465 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương và thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 – 2022. Ngày 10/5/2023, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó điều chỉnh quy mô đầu tư, cắt giảm đoạn từ ngã ba Ba Mốt (xã Yên Đổ, huyện Phú Lương) đến ngã ba Quán Vuông (xã Trung Hội, huyện Định Hóa); điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 465 tỷ đồng xuống còn 302,01 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2019 – 2025 và điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, địa điểm, thời gian thực hiện dự án.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ là cơ sở để phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; phát triển du lịch nhằm tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế xã hội cho các xã vùng ATK Định Hóa và tạo sự liên kết với Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án có ý nghĩa quan trọng, song đáng nói, hiện nay dự án đang thi công trên tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, nhưng hoạt động thi công không tuân thủ quy định về bảo đảm ATGT. Cụ thể, một số vị trí mặt đường đã thảm nhựa xong nhưng cột điện vẫn nằm trên mặt đường. Một số đoạn khác thảm nhựa xong nhưng cũng không bố trí biển báo tạm; một số vị trí nắp cống thoát nước để hở; tại các vị trí thi công không lắp đặt rào chắn, đèn tín hiệu cảnh báo và người hướng dẫn giao thông…
Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, một số xe tải phục vụ thi công, máy xúc, lu lèn không có chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Đơn cử, ôtô BKS 29C-016.16 đã hết hạn đăng kiểm từ 13/7/2023, máy lu không có đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia phục vụ công trình tại dự án.
Nhiều đoạn trên tuyến ĐT264B thi công dở dang, bụi bẩn từ dự án gây ô nhiễm môi trường, nhà thầu thi công không có biện pháp đảm bảo giao thông
Một số người dân ven đường cho biết, tình trạng thi công dang dở kéo dài đã lâu và việc dự án không được quản lý chặt chẽ, không có giám sát thi công, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, nhất là khi đêm tối, thời tiết xấu.
Theo Đại úy Đỗ Duy Nam, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự Công an huyện Định Hóa, từ khi dự án thi công đến nay trên tuyến ĐT264B xảy ra một vài vụ va chạm giao thông, nhưng do người dân tự giải quyết nên CSGT không thụ lý.
"Nhiều đoạn đường đã thảm nhựa xong nhưng do thiếu vạch sơn, biển báo khiến cho việc kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm giao thông khó khăn, cũng như tình huống xác định lỗi nếu xảy ra tai nạn sẽ phức tạp", theo Đại úy Nam.
Trong khi đó, đề cập những vấn đề trên, ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên (chủ đầu tư) chỉ cho biết: "Dự án có kinh phí đến đâu chúng tôi làm đến đấy, còn một số đoạn nhà thầu đã thi công xong nhưng chưa thể bàn giao được vì còn vướng đường điện. Cột điện trên tuyến không di rời đi được vì dự án không có nguồn kinh phí để giải phóng đường điện. Chúng tôi cũng đã yêu cầu ngành điện lực di dời, nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ di dời".
Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, trên tuyến chỉ có một vài điểm được nhà thầu triển khai thi công, thế nhưng các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công không có, các hệ thống cống hộp thoát nước thi công dang dở, nhưng cũng không được che chắn hay cảnh báo cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến