Nói về những tác phẩm văn học phản ánh thời dịch bệnh Covid đang hoành hành và liệu nền văn học VN sẽ có những tác phẩm “xuất chúng” để phản ánh hiện thực, nhà văn Phạm Thanh Thúy (BTV báo Văn Nghệ) cũng chia sẻ: “Tuy nhiên, để chọn được một tác phẩm hay công bố lại rất hiếm. Thậm chí, tác phẩm đã công bố chưa phải là tác phẩm hay, chỉ là một tác phẩm vừa vặn mà thôi. Vì sao? Vì văn chương khác báo chí ở chỗ nó là hiện thực hư cấu, không phải phản ánh đúng thực trạng hiện thực đang diễn ra như một bài báo, một mẩu tin tức, không phải bê nguyên xi thực tế vào trang viết. Cái tài của một nhà văn là hư cấu tác phẩm làm sao để tác phẩm trở nên siêu thực, chỉ cần một chút non tay là tác phẩm trở nên ngô nghê ngay lập tức. Còn phản ánh hiện thực như nó đang diễn ra, hoặc chỉ là chụp một bức ảnh của thực tế đang diễn ra, thì báo chí đã và đang làm rồi. Trong thực tế này, là hiện nay, dù đại dịch đang khiến cả thế giới mất cân bằng trầm trọng, thì những tác phẩm đỉnh cao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa thấy xuất hiện. Mà nếu đã xuất hiện, chúng ta sẽ được biết gần như ngay lập tức, khi đang sống giữa thời đại của công nghệ, nơi tin tức được chia sẻ ào ào như gió lốc. Tương lai, liệu có xuất hiện những tác phẩm “xuất chúng” phản ánh xã hội thời Covid này hay không, theo tôi là có, nhưng rất khó, bởi đây là thời đại khác với những thời đã qua, thời đại con người bị chi phối bởi công nghệ, mạng xã hội, nơi văn học nghệ thuật không còn là tâm điểm, không còn cái thời “tiếng hát át tiếng bom”, sự phản biện xã hội diễn ra dễ dàng và dữ dội hơn, tiếc thay, sự tiếp nhận lại nhạt hơn rất nhiều. Nếu bạn chú ý, sẽ thấy rằng, trong suốt gần nửa thế kỷ qua, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn duy nhất được coi là chúa tể của thể loại truyện ngắn Việt Nam hiện đại, trong khi những nhà văn cũ vẫn tiếp tục viết, những nhà văn mới không ngừng xuất hiện. Suốt dọc dài lịch sử dân tộc, những nhà văn tên tuổi được nhắc nhớ hiện nay không hề nhiều.
Vậy đó là vì sao? Làm sao để có những tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước? là một …đề văn khó, không có văn mẫu, không có sự hỗ trợ của công nghệ…chỉnh sửa ảnh. Nhà văn với tuyệt phẩm như vậy sẽ phải chật vật với bản thân rất nhiều, trước hết là chấp nhận đói nghèo, thiếu thốn. Đói nghèo thiếu thốn ở đây không phải về vật chất, mà là sự đói khát, thèm thuồng những rung cảm sâu xa về cuộc sống, khát khao yêu thương con người, khát khao được cháy, thậm chí thành tàn tro với cuộc sống này”.
Sẽ xuất hiện một lớp thế hệ nhà văn, nhà thơ tiêu biểu thời Covid?
Sự nghiệp và sứ mệnh cầm bút thật cao quý và đẹp đẽ! Bởi thế trách nhiệm của nhà văn cũng thật nặng nề. Và liệu sẽ có một lớp thế hệ nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như các lớp thế hệ trước trong đại dịch Covid này? (ví như Phong trào thơ mới…)
“Tôi nghĩ chắp cho nhà văn cái “sứ mệnh cầm bút cao quý và đẹp đẽ” đó là quá nuông chiều nhà văn rồi. Thậm chí nhiều nhà văn cũng bị ảo tưởng về sứ mệnh và “trách nhiệm nặng nề” của họ, trong khi họ chỉ có một sứ mệnh giản dị, và trách nhiệm duy nhất là làm sao viết hay, và chỉ viết hay mà thôi.
Muốn có một nền văn học phát triển vượt bậc thì nhà văn phải mở lòng, phải khát khao cái mới và trân trọng truyền thống trước đã. Tâm lý “văn mình” luôn ngự trị trong lòng đại đa số các nhà văn, trong đó không ít nhà văn có thực tài. Không chịu tiếp nhận cái mới, dè bỉu, chê bai, và tệ nhất là tôn vinh những giá trị ảo, biết rõ giá trị rất ít nhưng vẫn tôn vinh rất nhiều, khiến cho thực hư nháo nhào, lẫn lộn là hành vi của không ít nhà văn hiện nay. Chừng nào còn tự buộc mình trong mớ bòng bong thực hư nhốn nháo đó, nhà văn còn… vòng vo quanh quẩn trong cái ao làng do chính họ tạo ra. Còn muốn xuất hiện một lớp nhà văn tiêu biểu như phong trào thơ mới trong thời này còn phụ thuộc và nhiều yếu tố, ngoài yếu tố thời cuộc, còn một yếu tố quan trọng nữa: Thiên tài”. – nhà văn Phạm Thanh Thúy.
“Nếu chăm trồng cây thì cũng có ngày hái quả. Với nhà văn, cứ sống, cứ sáng tạo, sẽ có tác phẩm. Nhà nước cũng cần có biện pháp để ‘’gieo trồng” vườn văn học. Tôi được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức "Hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý, phát triển văn học" vào ngày 19/7/2021. Hi vọng, từ Hội nghị này sẽ mở ra hướng và áp dụng những biện pháp quản lý thích hợp giúp phát triển nền văn học nước nhà” - Nhà văn – nhà báo, Phạm Việt Long nói về phát triển văn học của đất nước.
Xin được cảm ơn! Nhà văn – nhà báo, Phạm Việt Long, nhà văn Phạm Thanh Thúy (BTV báo Văn Nghệ) về cuộc trao đổi rất thú vị này.
Tham khảo
“Sự sống và lòng biết ơn” – Tác giả Phạm Thị Phương Thảo – Tập trường ca đầy tính thời sự và dạt dào cảm xúc, được viết trong đại dịch Covid, ra mắt vào đầu tháng 7/2021 vừa qua. Trường ca gồm 45 khúc với 220 trang sách và một phần cuối cùng kết thúc bằng Vĩ Thanh
Qua nội dung bản trường ca Covid-19, nhà văn Phương Thảo chia sẻ: “Tôi nhận thấy đây thực sự là một cuộc chiến dài hơi và tất cả chúng ta đều là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Nhân vật “Nàng” trong tác phẩm, một nhân vật nặng lòng nhất, chứng kiến sự đổi thay, biến động nhiều nhất và cũng là người lạc quan nhất. “Nàng” trong nhiều vai trò, một người phụ nữ chống dịch, một công dân yêu nước chống dịch, thi sĩ đầy mộng mơ chống dịch.
Niềm tin chiến thắng đại dịch Covid đang hiển hiện trên muôn vàn nụ cười trên dải đất Việt Nam.
Nàng tin vững chắc vào điều đó, như tin vào con đường mình đã chọn”.