Tết đặc biệt trên đảo Long Châu
17:01 - 30/01/2022
Tạp chí GTVT - Giữa biển trời mênh mông, trên đảo đá, họ đón những cái Tết lặng lẽ nhưng ấm tình người cùng sứ mệnh thiêng liêng…
Ngọn hải đăng Long Châu cao 110m, là một trong những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam do người Pháp xây dựng |
Tình yêu với đảo và Hải đăng
Ngày cuối tháng Chạp, trời còn chưa sáng rõ, tàu Vĩnh Thực rời bến nhằm hướng đảo Long Châu (còn được gọi là đảo Mắt Rồng).
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 50km, hòn đảo được cấu tạo từ đá vôi và các bãi đá ngầm hiểm trở. Trên đảo là sừng sững ngọn hải đăng Long Châu, có khả năng chiếu sáng xa 27 hải lý. Những ngày trời quang mây tạnh, tàu biển cách xa đảo hàng chục km vẫn có thể nhìn thấy để định hướng. Trong nhiều thập kỷ qua, hải đăng Long Châu vẫn soi đường cho hàng vạn tàu, thuyền ra vào vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Hiện ở Long Châu không có dân sinh sống, chỉ có công nhân trạm Quản lý vận hành đèn và chiến sỹ biên phòng Đài quan sát Long Châu. Để ra đảo phải mất nguyên buổi sáng, chiều về cũng chừng 4 – 5 tiếng, đó là khi sóng gió không quá lớn.
Đảo Long Châu nhìn từ xa |
Chuyến đi này đặc biệt hơn vì ngoài những nhu yếu phẩm tiếp tế cần thiết còn có gạo nếp, đỗ xanh, mộc nhĩ… để anh em trạm đèn (cách gọi thân thương về hải đăng Long Châu) gói bánh chưng, giò xào, làm nem...
Chị Phạm Thị Minh Phượng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ chia sẻ: “Chuyến đi này vừa để tiếp tế, vừa là dịp để anh chị em đại diện khối Văn phòng của Xí nghiệp ra thăm, chúc Tết, động viên anh em làm nhiệm vụ gác đèn, giữ đảo”.
Gần 5 tiếng lênh đênh trên biển, tàu cập bờ, Trạm trưởng Trạm đèn Long Châu Nguyễn Mạnh Hùng ra tận cầu tàu đón đoàn. Các loại nhu yếu phẩm, dầu (để chạy máy phát) phục vụ sinh hoạt, vận hành đèn biển được khẩn trương chuyển lên đảo.
Đảo đương nhiên có đá nhưng ở Long Châu, đá nhiều vô kể, sắc nhọn, dựng đứng. “Đất trên đảo hiếm lắm! Nhiều lần đơn vị phải vận chuyển đất từ đất liền ra để anh em có thể trồng rau, cải thiện bữa ăn”, chị Phượng giải thích.
"Ngoài thiếu đất, anh em còn thiếu cả nước. Đặc biệt, vào mùa khô, lượng nước ít ỏi trên đảo được anh em sử dụng tiết kiệm nhất có thể và tận dụng tối đa để dùng vào nhiều mục đích", Phó Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ chia sẻ thêm.
Tận dụng đất, nước sinh hoạt, các anh trồng những luống rau nhỏ để cải thiện bữa ăn |
Dọc con đường nhỏ, dốc dựng đứng, Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu: hải đăng Long Châu đã 128 năm tuổi, cao 110m, là một trong những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam do người Pháp xây dựng.
31 năm trong ngành thì có 18 năm anh Hùng công tác ở đảo Long Châu. Hỏi cơ duyên nào khiến anh gắn bó với đảo này lâu đến vậy, người đàn ông 52 tuổi da sạm đen đưa ánh mắt nhìn sang bên lối đi, bảo: “Chắc là vì tình yêu với… đá”. “Tôi sẽ còn ở đây đục đá, tạc tượng mình, khi nào xong thì về”, anh đùa vui.
"Đặc sản" đá ở Long Châu |
Trên đảo thường duy trì 7 – 8 người, thay phiên nhau làm nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa, giữ cho ngọn hải đăng luôn rực sáng. “Bình thường mỗi người được nghỉ phép khoảng 3 tháng. Vừa rồi dịch Covid-19, anh em ít được về hơn. Đi lại khó khăn, chẳng may nhiễm bệnh, lấy đâu người thay thế”, Trạm trưởng Hùng giãi bày.
Loay hoay xếp lại túi gạo nếp để chuẩn bị gói bánh chưng, anh Phạm Văn Dương (SN 1984) cho biết mình đã có 8 năm công tác trên đảo. “Ở đất liền, thiếu thứ gì có thể chạy ù ra chợ mua bổ sung nhưng ở đảo điều đó là không thể. Ngay cả lá dong gửi ngư dân mua cho nhưng có khi ra đến đảo thì lá cũng héo úa. Các loại gia vị cũng phải tùy cơ ứng biến thôi, nhưng quan trọng là có không khí Tết, không khí gia đình để anh em bớt cảm giác nhớ nhà”, anh Dương chia sẻ.
Trong ngày cuối cùng của năm cũ, các anh em trên trạm đèn Long Châu vừa thay nhau canh nồi bánh chưng, vừa trang trí những cành hoa, sắp xếp lại bàn ghế để chuẩn bị đón Giao thừa. Sau những cuộc điện thoại thăm hỏi, chúc Tết người thân, mùng 1 Tết, Trạm trưởng và anh em trạm đèn chúc Tết nhau, rồi đi chúc Tết “hàng xóm” duy nhất trên đảo - các chiến sỹ biên phòng thuộc đài quan sát Long Châu.
Trăn trở nghề bảo đảm hàng hải
Anh Dương Văn Hùng đã có 31 năm làm việc trong ngành bảo đảm hàng hải |
Trong tâm trí của chị Nguyễn Thị Mận (giáo viên trường tiểu học Nhật Tân, Kim Bảng, Hà Nam), cái Tết đáng nhớ nhất là Tết Nhâm Thìn 2012 khi chị được ra đảo Long Châu đón Tết cùng chồng – anh Dương Văn Hùng. Đến nay, đã 4 lần chị được ra đảo, vừa để trải nghiệm nhưng quan trọng là để hiểu và tự hào hơn về công việc của chồng và đồng nghiệp. Chị bảo: “Thương nhất là bữa cơm của các anh ít có rau xanh”.
Chồng xa nhà nhiều tháng ròng rã, lo anh buồn nên cứ có việc gì ở quê là chị lại gọi điện thông báo. Khi thì chuyện cô con gái đỗ đại học, lúc lại chuyện đường làng ngõ xóm được trải bê tông…
Chồng chị Mận, anh Dương Văn Hùng (SN 1969), với 31 năm trong ngành thì có 15 năm đón Tết ở đảo, nhiều nhất là ở Long Châu. “Bố tôi cũng có tới 40 năm, rồi bác tôi cũng trong ngành bảo đảm hàng hải đấy”, anh khoe và bảo: Tôi phải giữ “nghề truyền thống” của gia đình.
Ra Long Châu từ năm 2000 đến nay, người cán bộ lớn tuổi nhất ở Long Châu kể rằng, hồi mới ra đảo, điều kiện sinh hoạt và công việc khó khăn lắm, lấy đâu ra máy phát điện. Ngay cả bờ kè, đường đi cũng chưa có.
Hơn 20 năm giữ đảo, vận hành đèn biển, anh Hùng bảo: ngại nhất là mùa gió Nam, từ khoảng tháng 4 – tháng 7. Gió to, sóng lớn liên tục, tàu tiếp tế khó di chuyển, ngư dân cũng ít ghé đảo mà nếu có thì giá cả cũng đắt đỏ nên anh em phải chủ động dự trữ đồ khô.
Quê anh Hùng ở Hà Nam, không có biển nhưng qua câu chuyện đi biển của bố và bác, anh gắn bó với biển, với ngọn hải đăng lúc nào không hay. Cậu con trai út năm nay học lớp 7 cũng từng được anh Hùng cho ra đảo chơi. Và như một lẽ tự nhiên, cậu bé cũng thích biển, thích những con tàu, thích ngọn hải đăng cao vời vợi, soi đường chỉ hướng cho hàng ngàn con tàu. Cậu bé có cái tên Dương Hải Đăng, do chính anh Hùng đặt, như một sự gửi gắm tình yêu với biển, với ngọn hải đăng.
Anh Vũ Duy Toản bảo dưỡng đèn biển |
Từng làm nhiệm vụ tại đảo Hòn Dáu, trạm Nhà Vàng song đây mới là lần đầu tiên Vũ Duy Toản (SN 1985) xa nhà lâu đến vậy. Trước đây, Toản làm ở bộ phận sửa chữa phao luồng nhưng yêu đảo, thích biển, anh xin ra Long Châu từ tháng 8/2021 và chưa được nghỉ phép về thăm nhà.
Từ khi lập gia đình với Toản, cô công nhân may Phạm Thị Huyền dường như đã quen với việc chồng xa nhà ngày Tết. “Khi anh ấy chọn nghề gác đèn biển, em cũng không can ngăn gì, quan trọng là anh ấy yêu nghề và thấy phù hợp. Giờ dịch bệnh thế, điều kiện không cho phép cũng phải chấp nhận thôi, chứ chồng có về thăm nhà chẳng may dính Covid-19 rồi lại ảnh hưởng cho những anh em khác trên đảo”, Huyền chia sẻ và bảo: “giữa biển khơi mênh mông, lo nhất là những lúc ốm đau, thuốc men, bác sỹ thiếu thốn…
Chị Phạm Thị Minh Phượng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ thay mặt đơn vị chúc Tết và tặng quà anh em trên đảo Long Châu |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Huy Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ cho biết, Xí nghiệp được Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc giao nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống đèn biển và báo hiệu luồng tàu biển trong phạm vi từ Quảng Ninh đến Thái Bình, bao gồm 10 đèn biển và 6 tuyến luồng tàu biển quốc gia với tổng chiều dài 156,8km. Địa bàn quản lý rộng, các trạm quản lý báo hiệu hầu hết nằm trên đảo xa (như Long Châu, đảo Trần, Hạ Mai…) hay ở cửa sông, cửa biển, giao thông không thuận tiện, công tác tiếp tế và kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
“Mặc dù thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Tổng Công ty và chính quyền địa phương nhưng do đặc thù công tác, đi lại nên nhìn chung sinh hoạt và công việc của anh em còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất khó tuyển người, nhất là khu vực miền Trung. Chỉ mong anh em đảm bảo được thu nhập để yên tâm gắn bó với nghề”, ông Hùng nói và cho biết, hàng năm, Xí nghiệp đều triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh với yêu cầu tiết kiệm nhưng phải đảm bảo toàn bộ hệ thống báo hiệu luôn hoạt động tốt nhất.
“Nhiều sự cố xảy ra trong đêm nhưng do có sự trực canh thường xuyên, có trang thiết bị dự phòng đầy đủ nên đều đã được phát hiện và khắc phục kịp thời, đảm bảo báo hiệu hoạt động liên tục”, Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ chia sẻ thêm.
Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc hiện quản lý, vận hành 42 đèn biển và hơn 480 báo hiệu dẫn luồng trên 20 tuyến luồng hàng hải. Trong năm 2021, Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch khảo sát công bố thông báo hàng hải đối với 20 tuyến luồng hàng hải công cộng, 03 tuyến luồng ra đảo xa bờ và 09 vùng đón trả hoa tiêu đảm bảo chất lượng, tiến độ. Trong năm 2021 các Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải đã tổ chức tốt công tác dẫn tàu ra vào luồng. Sản lượng dẫn tàu đạt 44.732 lượt, bằng 102,2% kế hoạch. Năm vừa qua, Tổng công ty được giao thực hiện nạo vét duy tu 15 tuyến luồng, trong đó có 07 tuyến luồng chuyển tiếp từ năm 2020, 05 tuyến luồng thực hiện thi công và 03 tuyến luồng thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm. Về cơ bản đã thực hiện đảm bảo theo kế hoạch được giao. |