Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, sau giai đoạn 1 của dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh vẫn còn 114km kênh đất chưa được kiên cố.
Kênh đất khi vận hành thường gặp khó khăn do nước bị thấm, tốc độ dòng chảy chậm, dễ xảy ra xói lở, ảnh hưởng đến việc cấp nước kịp thời.
Việc duy tu, bảo dưỡng kênh đất cũng rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2 của dự án, với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng; trong đó 100 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đã được phân bổ. Hiện đang chờ phân bổ thêm 500 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương để dự án hoàn thành đúng tiến độ vào quý 2/2025.
Dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.
Dự án sẽ cấp nước cho 16.953ha đất nông nghiệp và cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1 m3/giây. Không chỉ đảm bảo nguồn nước cho các xã biên giới mà dự án còn giúp phát triển vùng nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị cây trồng, góp phần cải thiện đời sống người dân và giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đã hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài 117,8km, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông, cung cấp nước cho các huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu.
Đầu năm 2023, hệ thống đã được nghiệm thu và đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho một phần diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tại xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành, người dân rất phấn khởi khi được cấp nước từ hệ thống thủy lợi mới.
Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh, hiện nay tỉnh có gần 2.000km kênh mương thủy lợi; trong đó kênh mương nội đồng dài gần 500km.
Tuy nhiên, khoảng 25% chiều dài kênh nội đồng vẫn chưa được kiên cố hóa, có dấu hiệu xuống cấp, bị sạt lở, một số vị trí bị thấm, nhiều rong, rêu, bồi lắng, làm lòng kênh bị thu hẹp và dòng chảy không ổn định. Do đó phải thường xuyên duy tu, bảo trì, bảo dưỡng.
Cùng đó, khâu điều tiết, phân phối nước còn lãng phí, thất thoát xuống kênh tiêu, do hệ thống kênh nội đồng chưa được đầu tư hoàn chỉnh; nguồn vốn đầu tư cho công trình thủy lợi còn hạn chế và chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, kinh phí sự nghiệp thủy lợi, kinh phí giá hỗ trợ dịch vụ công ích thủy lợi (trung bình khoảng 26 tỷ đồng/năm) chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư, nâng cấp, sửa chữa trong giai đoạn hiện nay...
Trước những khó khăn này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 là hỗ trợ 70% chi phí sửa chữa các kênh mương và cống thoát nước; người dân đóng góp 30% còn lại.
Chính sách phần nào cũng giúp nhiều tuyến kênh nội đồng được kiên cố hóa.
Nông dân Lại Văn Ninh có đất sản xuất tại ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành chia sẻ trước đây thường gặp nhiều khó khăn trong việc lấy nước vì kênh đất thường xuyên bị lấp đầy bởi bùn đất và cỏ dại.
Nhưng từ khi có kênh bêtông, việc lấy nước trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, chỉ mất khoảng 2 giờ để cung cấp đủ nước cho cả cánh đồng. Điều này giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công sức và tăng hiệu quả sản xuất.
Ông Đỗ Văn Hạnh, trưởng ấp Suối Dộp, cho biết ngoài việc có kênh bê tông mới, người dân trong ấp đã cùng nhau hiến đất để xây dựng tuyến đường rộng hơn 2m dọc theo kênh, giúp việc vận chuyển vật tư và nông sản thuận lợi hơn. Điều này không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành, huyện có 419 tuyến kênh thủy lợi nhỏ và nội đồng, cũng như các tuyến suối, rạch có khả năng tiêu thoát nước, với tổng chiều dài khoảng 94km.
Để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn, huyện đã đầu tư xây dựng 34 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 4.754ha đất sản xuất.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: đối tượng được hỗ trợ từ chính sách bị hạn chế, do quy định khung đối tượng hỗ trợ phải là tổ chức thủy lợi cơ sở hoặc thành viên tổ chức thủy lợi cơ sở có liên quan trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm; chi phí đối ứng tương đối lớn (khoảng 30% giá trị xây dựng công trình) nên việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng còn hạn chế.
Chi cục Thủy lợi Tây Ninh cho biết nhờ đầu tư kịp thời, tỉnh đã phát triển hệ thống thủy lợi hoàn thiện được đánh giá là lớn nhất cả nước, với tổng chiều dài các tuyến kênh trên 2.000km, đảm bảo nước tưới quanh năm cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với đặc điểm đất cao, thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, gây khó khăn cho nông dân tại các huyện Châu Thành và Bến Cầu.
Tỉnh Tây Ninh có 4 hồ chứa nước (gồm hồ Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới (kiên cố hóa 1.205,68/1.744,01 km, đạt tỷ lệ 69,13%), 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.270,65 ha/3vụ (khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó cấp nước tưới chủ động 120.936,71 ha, đạt tỷ lệ 80%); tiêu nước cho gần 97.000ha; cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu m3/năm; ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709ha đất sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống công trình thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ và có ưu điểm lượng nước phong phú, dồi dào, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân quanh năm; đồng thời, 95% diện tích tưới hàng năm là tưới tự chảy nên người dân không tốn năng lượng để bơm tưới vào cánh đồng, thuận lợi trong quá trình lấy nước vào mặt ruộng và có chi phí rẻ./.