Tay Ban Nha yeu cau Uy ban bao ve du lieu chau Au thao luan ve ChatGPT hinh anh 1Một người sử dụng ChatGPT. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha (AEPD) vừa yêu cầu cơ quan giám sát quyền riêng tư của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá những lo ngại về quyền riêng tư liên quan ChatGPT - chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty OpenAI (Mỹ), trong bối cảnh giới chức trách toàn cầu tăng cường giám sát hệ thống AI.

Người phát ngôn của Cơ quan Bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha nêu rõ cơ quan này hiểu rằng các hoạt động xử lý toàn cầu có thể gây tác động đáng kể đến quyền riêng tư của các cá nhân đòi hỏi cần có các quyết định phối hợp ở cấp châu Âu.

Do đó, trước mắt, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha đã yêu cầu đưa vấn đề về ChatGPT vào phiên họp toàn thể tiếp theo của Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDBP), để có thể đề xuất và triển khai các biện pháp phù hợp trong khuôn khổ áp dụng quy định chung về bảo vệ dữ liệu.

[OpenAI có nguy cơ bị kiện vì thông tin sai lệch trên ChatGPT]

Dự kiến, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu sẽ tiến hành cuộc họp toàn thể, bao gồm đại diện của các cơ quan giám sát quyền riêng tư dữ liệu quốc gia, vào ngày 13/4, song  hiện vẫn chưa rõ liệu chủ đề ChatGPT có được thảo luận tại đây hay không.

Theo nguồn tin từ Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu, cơ quan này cho biết không tham gia vào các cuộc điều tra ở cấp quốc gia. Đây sẽ là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia.

 

Trước đó, Cơ quan Giám sát quyền riêng tư của Pháp (CNIL) cho biết đang điều tra một số khiếu nại về ChatGPT.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dữ liệu của Italy đang xem xét các biện pháp do OpenAI đề xuất nhằm giải tỏa những lo ngại khiến cơ quan quản lý tạm thời cấm chatbot này vào ngày 31/3 vừa qua.

Động thái của nhà chức trách Italy đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý quyền riêng tư khác ở châu Âu khi họ đang nghiên cứu xem có cần áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với ChatGPT và liệu có nên phối hợp các hành động đó hay không.

Chính quyền Mỹ cũng cho biết đang lấy ý kiến của công chúng về các biện pháp pháp lý đối với các hệ thống AI khi có hàng loạt câu hỏi đặt ra về tác động của vấn đề này tới an ninh quốc gia và giáo dục.

ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ" sau khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Ứng dụng sử dụng thông tin văn bản đã có sẵn trên mạng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận.

Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 3/2023, ChatGPT đã thu hút khoảng 150 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Đức... quan ngại tại nhiều về tính bảo mật của ứng dụng này.

Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Italy cũng đã ra lệnh cấm hoạt động đối với ChatGPT trong khi tiến hành điều tra nghi vấn ứng dụng vi phạm các quy tắc dữ liệu của châu Âu.

Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo rằng các đối tượng tội phạm sẵn sàng lợi dụng AI như các bot hội thoại để thực hiện hành vi lừa đảo và vụ phạm tội trực tuyến khác.

Tỷ phú Elon Musk, người sáng lập OpenAI nhưng hiện không còn là thành viên hội đồng quản trị, và hàng trăm chuyên gia toàn cầu đã kêu gọi tạm dừng nghiên cứu 6 tháng về các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4, phiên bản mới nhất được phát triển dựa trên ChatGPT, do quan ngại "rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại"./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)