Tại địa phận Hà Nội, sông Hồng có bãi giữa dài và rộng, dòng chảy bị chia làm hai nên gọi là Nhị Hà. Cái tên Nhĩ Hà xuất phát từ quan điểm khác cho rằng, sông quanh co, uốn khúc như hình cái tai.
Xa xưa sông Hồng khi chảy qua Thăng Long thường xuyên đổi dòng, nên cuối thế kỷ XVII, cát bồi ở khu vực Nhật Tân đã lấp cửa sông Thiên Phù, con sông chảy xuống ngã ba Giang Tân (tương ứng chợ Bưởi ngày nay) cấp nước cho sông Tô Lịch. Trong ảnh là cầu Nhật Tân và phía xa là cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng.
Ngoài tên sông Hồng, nó còn có rất nhiều tên gọi. Khi chảy qua mỗi địa phương lại có một cách gọi tên riêng. Ví dụ như sông Thao, sông Cái, sông Nhĩ Hà... Trong ảnh là một khúc quanh giống hình cái tai ở địa phận xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội).
Sông Hồng là con sông rất riêng của Hà Nội, bồi đắp nên nền văn minh sông Hồng, là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Trong ảnh là đoạn sông thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, phía xa là 2 cây cầu Chương Dương, Long Biên (Hoàn Kiếm).
Thời Hậu Lê, vai trò của Nhị Hà trong vận chuyển hàng hóa, buôn bán là vô cùng quan trọng. Một điều quan trọng khác là nhờ Nhị Hà mà sinh ra một số phố có tên "Hàng" như Hàng Buồm, Hàng Mắm...
Tại địa phận Hà Nội, nhiều dự án xây dựng phát triển nhanh chóng khiến 2 bờ sông thay đổi từng ngày. Trên dòng nước, tàu thuyền qua lại tấp nập, chủ yếu là tàu, xà lan chở hàng, vật liệu xây dựng...
Ý tưởng về Dự án thành phố bên sông Hồng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như sự tranh luận của các nhà nghiên cứu về quy hoạch, kiến trúc. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng được xác định sẽ là một trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô trong bố cục quy hoạch TP Hà Nội.
Các bãi bồi được nhìn thấy rất rõ dù đang mùa nước lên, phân chia dòng chảy của sông thành các nhánh nhỏ. Trong ảnh là đoạn sông địa phận Bắc Từ Liêm.
Sông Hồng (bắt nguồn từ Trung Quốc) có tổng chiều dài là 1.149 km, đoạn chảy qua miền Bắc Việt Nam dài 510 km, rồi đổ ra biển ở vịnh Bắc Bộ. Trong ảnh là một bãi bồi trên sông Hồng nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Thăng Long.
Sông Hồng đoạn cuối cùng thuộc địa phận Hà Nội, đoạn chảy qua xã Tiến Thịnh (Mê Linh).
Ở Hà Nội, sông chảy qua các quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì ở hữu ngạn và Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm ở tả ngạn.
Xưa sông Hồng đã đem lại cho đất Thăng Long sức sống của một trung tâm thương mại. Hàng hóa xuôi ngược, lâm sản miền núi lại theo sông Hồng về đồng bằng.
Đây đang là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, các tàu thuyền xuôi ngược như mắc cửi, chủ yếu là các loại vật liệu như cát, sỏi.
Sông Hồng trở thành ranh giới tự nhiên giữa Hà Nội - Hưng Yên; Hà Nội - Vĩnh Phúc; Hà Nam - Hưng Yên; Hà Nam - Thái Bình; Nam Định - Thái Bình. Sông Hồng sau đó đổ ra biển ở cửa Ba Lạt.
Để trị thủy cho Hà Nội, một hệ thống đê sông Hồng được hình thành, là một trong 4 hệ thống đê điều của các tỉnh phía Bắc nước ta. Đê sông Hồng có tổng chiều dài lớn nhất với 1.314 km và là hệ thống đê sông có quy mô lớn và hoàn thiện hơn so với các hệ thống đê còn lại.
(Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tau-thuyen-nhu-mac-cui-tren-song-hong-uon-luon-qua-ha-noi-20211112020444954.htm)