Tàu du lịch được miễn lắp thiết bị AIS trong trường hợp nào?
14:40 - 05/04/2024
Theo quy định hiện hành, tàu khách chở trên 20 khách phải lắp thiết bị nhận dạng tự động (AIS), song căn cứ điều kiện của tuyến vận tải, cơ quan đăng kiểm có thể miễn, giảm hoặc gia hạn việc lắp thiết bị.
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 3512/BGTVT-KHCN&MT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long để trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long về nội dung: "Cử tri đang băn khoăn về việc quy định tàu du lịch phải gắn thiết bị định vị nhưng kinh tế của các hộ kinh doanh còn thấp, bấp bênh không đảm bảo kinh phí để đầu tư thiết bị này. Do đó, cử tri kiến nghị cần xem xét bỏ quy định này hoặc có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư gắn thiết bị định vị trên tàu du lịch".
Theo Bộ GTVT, việc lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS (đã tích hợp tính năng định vị vệ tinh) trên các phương tiện thủy chở khách góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người và phương tiện trong quá trình vận hành, khai thác. Thiết bị là nền tảng để tăng cường ATGT đường thủy, khả năng tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ hàng hải, là nền tảng để thực hiện hệ thống thông tin đường thuỷ (kết hợp Hải đồ điện tử, thông tin dẫn đường, thông tin dịch vụ ...), thương mại điện tử, triển khai các dịch vụ hành chính công cấp độ 4 trong vận tải thuỷ (thủ tục điện tử bến/cảng, thủ tục xếp dỡ hàng hoá, hoá đơn, vận đơn điện tử, thủ tục xuất nhập khẩu điện tử, thu phí).
Với tôn chỉ "Tính mạng con người là trên hết" và lộ trình lắp đặt phù hợp, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 666/QĐ-BGTVT ngày 4/4/2018 phê duyệt Đề án “Lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa”. Trong đó, quy định bắt buộc phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS trên phương tiện chở khách, áp dụng đối với tàu khách chở từ 20 hành khách trở lên.
Đối với thiết bị định vị vệ tinh (GPS) cho các tàu du lịch, chỉ áp dụng đối với tàu có động cơ cấp VR - SB (có chiều dài < 30 m và các tàu khác chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến hoặc cách bờ không quá 15 km). Căn cứ vào tình hình cụ thể về điều kiện thông tin liên lạc và điều kiện ứng cứu hai đầu tuyến thì có thể được cơ quan Đăng kiểm xem xét miễn trang bị).
"Theo quy định hiện hành, căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện thông tin liên lạc và điều kiện ứng cứu hai đầu tuyến thì phương tiện có thể được cơ quan đăng kiểm xem xét miễn trang bị thiết bị định vị. Ngoài ra, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và trường hợp cụ thể, Bộ GTVT có thể miễn, giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS trên cơ sở đề xuất của Cục Đăng kiểm VN. Do đó, trong quá trình thực hiện đã có những trường hợp cụ thể được miễn trang bị các thiết bị định vị và thiết bị nhận dạng tự động (AIS)", Bộ GTVT giải đáp về các trường hợp cần xem xét việc miễn trang bị thiết bị.
Trên thị trường hiện nay, chi phí để lắp đặt thiết bị định vị trên tàu du lịch là không lớn so với việc đầu tư đóng mới một con tàu (giá mỗi bộ thiết bị định vị, nhận dạng tự động dao động trong khoảng từ 8 đến 30 triệu đồng/thiết bị tùy từng hãng và quốc gia sản xuất).
Nguồn: Tàu du lịch có thể được miễn lắp thiết bị AIS trong trường hợp nào? (tapchigiaothong.vn)