Tập trung giải quyết hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX

14:32 - 10/10/2023

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe (GPLX) nhưng vẫn điều khiển mô tô trái quy định.

Tập trung giải quyết hiện tượng thanh thiếu niên lái xe khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023

Định hình 2 vấn đề nổi cộm

Sáng nay (10/10), Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt là số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.

Tập trung giải quyết hiện tượng thanh thiếu niên lái xe khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị

Dẫu đạt nhiều kết quả tích cực trong việc chuyển biến tình hình TTATGT, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn thẳng vào những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua, bao gồm các vấn đề liên quan tới một số vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, trong 9 tháng qua, vẫn còn nhiều nơi để xảy ra các vụ TNGT thương tâm. Nổi cộm như vụ tai nạn ô tô ở Đồng Nai vào ngày 30/9 làm 5 người thiệt mạng có kết luận nguyên nhân ban đầu là do ý thức của người tham gia giao thông, khi tài xế lái xe lấn làn dẫn tới tai nạn thảm khốc.

Đặc biệt, vụ tai nạn xe máy tại Hà Giang vào tối 29/9 khiến 3 thiếu niên thiệt mạng. Cả 3 em đều chưa đủ tuổi điều khiển xe máy. Vụ tai nạn ở Đắk Lắk giữa xe tải và xe khách ngày 9/10 làm 13 người thương vong.

Tập trung giải quyết hiện tượng thanh thiếu niên lái xe khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX - Ảnh 3.

Hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có GPLX điều khiển mô tô trái quy định diễn ra khá phổ biến trên đường phố (trong ảnh: khi thấy CSGT, nhóm học sinh tại TP. Hà Nội bất chấp dòng phương tiện, liều lĩnh quay đầu xe, lạng lách "tháo chạy")

Nhìn thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói: "Văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét. Việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để, TNGT giảm nhưng chưa an toàn, chưa bền vững".

Bàn giải pháp, phương pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gợi mở, các cơ quan, đơn vị chức năng cần đặc biệt tập trung 2 vấn đề bức xúc nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm hiện nay. Trước hết là công tác bảo đảm TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung giải quyết hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép nhưng vẫn điều khiển mô tô trái quy định. Bởi đây là hành vi tiềm ẩn nguy cao gây TNGT đáng tiếc rất cao.

Tập trung giải quyết hiện tượng thanh thiếu niên lái xe khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng báo cáo tại hội nghị

Hiệu lực thực thi pháp luật còn hạn chế

Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, công tác bảo đảm TTATGT liên tục ghi nhận những chuyển biến tích cực, song điều đáng lo ngại là vẫn còn xảy ra 22 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, khiến nhiều người thương vong và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình như tại tỉnh Quảng Nam xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương. Trong đó, vụ tai nạn ở huyện Núi Thành vào ngày 14/2 làm 10 người chết.

Tại tỉnh Nghệ An xảy ra 1 vụ TNGT nghiêm trọng làm 3 người chết và 1 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 1 vụ làm chết 3 người và 1 người bị thương; vụ TNGT tại Điện Biên làm 4 người chết, 1 người bị thương; vụ TNGT tại Gia Lai làm 2 người chết và nhiều người bị thương; vụ TNGT tại Phú Yên làm 4 người chết, nhiều người bị thương; vụ TNGT tại Lào Cai làm 3 người chết; Vụ TNGT tại Khánh Hòa làm 4 người chết. Mới đây nhất là vụ TNGT tại Hà Giang làm 3 người chết và tại Đồng Nai làm 5 người chết.

"Thực tế, hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm TTATGT chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và Công an", ông Khuất Việt Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/9/2023), toàn quốc xảy ra 8.335 vụ TNGT, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 90 vụ (-1.07%), giảm 60 người chết (-1.24%), tăng 216 người bị thương (3.87%).