Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đô thị thông minh

07:11 - 05/11/2024

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, trước tiên Thành phố Hồ Chí Minh cần xác định rõ hơn về nhu cầu nhân lực của lĩnh vực này để có định hướng, chương trình đào tạo phù hợp.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
 
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
 

Chiều 4/11, Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF) và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển đô thị thông minh: Kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng hợp tác, giải pháp triển khai.”

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp, công nghệ thông tin. Mục tiêu đến năm 2030 là nỗ lực xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có chất lượng sống tốt, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm về kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Theo ông Võ Văn Hoan, để thực hiện được mục tiêu này, Thành phố cần nguồn nhân lực sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số; hình thành được các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu số và cần động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Cùng với quyết tâm thực hiện của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, Thành phố rất quan tâm đến sự kết nối, hợp tác, hỗ trợ, đồng hành của tổ chức trong và ngoài nước. Thành phố mong muốn Tổ chức đại học Pháp ngữ cùng các tổ chức quốc tế khác đồng hành, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và triển khai các dự án công nghệ mang tính đột phá trong y tế, giáo dục, giao thông, đô thị và môi trường..., nhằm tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng.

Thông tin về kết quả và định hướng chuyển đổi số, đô thị thông minh của Thành phố, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, triển khai Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng đô thị thông minh, Thành phố tập trung vào các vấn đề về thể chế, nhận thức số, hạ tầng số, dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và đã đạt được một số kết quả tích cực.

ttxvn_dao_tao_nhan_luc_phuc_vu_phat_trien_do_thi_thong_minh_0411-2.jpg
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Hiện, Thành phố dành 1,22% ngân sách chi cho chuyển đổi số, công nghệ thông tin, cao hơn mức tối thiểu 1% của cả nước. Nhiều chính sách được Thành phố triển khai như miễn giảm phí, lệ phí cho các dịch vụ công trực tuyến; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng trong lĩnh vực này...

Thành phố từng bước hoàn thiện hạ tầng số, chính quyền số từ cấp Thành phố đến cấp xã; hạ tầng kỹ thuật đảm bảo để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số; quản trị, vận hành kho dữ liệu dùng chung... Thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số đạt chỉ tiêu đóng góp GRDP đến năm 2025 là 25% và năm 2030 là 40%.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết, chủ trương của Thành phố là hướng tới chuyển đổi kép - chuyển đổi số đi liền với chuyển đổi xanh. Định hướng này đặt ra nhiều thách thức về nhân lực. Thành phố đang thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn sâu về công nghệ cao, công nghệ lõi như AI, vi mạch, dữ liệu lớn...; năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Vấn đề mà Thành phố đặc biệt quan tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển mạng lưới chuyên gia về công nghệ mới, nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức.

Để giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại này, ông Slim Khalbous, Tổng Giám đốc AUF cho rằng, cần nguồn lực tổng hợp từ nhiều bên, cả chính quyền, các trường đại học, doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Đánh giá của các chuyên gia AUF trong Báo cáo tư vấn về định hướng đào tạo nhân lực cho đô thị thông minh cho thấy có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các chương trình, dự án hợp tác giữa cộng đồng Pháp ngữ khoa học.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, trước tiên Thành phố cần xác định rõ hơn về nhu cầu nhân lực của lĩnh vực này để có định hướng, chương trình đào tạo phù hợp. Các chuyên gia đề xuất Thành phố nên tập trung đào tạo ngắn hạn (tập trung cho đối tượng cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp) và đào tạo dài hạn (các bậc đào tạo trong giáo dục đại học).

Theo ông Gayo Diallo, Đại học Bordeaux (Pháp), ở cấp độ đại học cần cấp thiết đào tạo lực lượng giảng viên tương lai; xác định các đối tác đại học nước ngoài phát triển chương trình, dự án hợp tác, trong đó có khối Pháp ngữ; xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ. Còn ở cấp độ thành phố nên tập trung đào tạo cán bộ quản lý và có kế hoạch đào tạo các chủ đề ưu tiên cho đội ngũ này./.

Nguồn: Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đô thị thông minh | Vietnam+ (VietnamPlus)