Tạo chính sách vượt trội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

10:46 - 21/06/2024

Cơ chế trao quyền, đặc thù vượt trội là mấu chốt để giúp Thủ đô quản lý, khai thác, huy động được nguồn lực tạo đà cho phát triển.

Đường Võ Chí Công nối cầu Nhật Tân với trung tâm thành phố Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Đường Võ Chí Công nối cầu Nhật Tân với trung tâm thành phố Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) vào ngày 27/6.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và sự phát triển chung của cả nước. Bởi Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra nhiều khuôn khổ pháp lý đặc thù đặc biệt, vượt trội cho Thủ đô so với các quy định chung trên toàn quốc.

Đặc biệt, cơ chế trao quyền, đặc thù vượt trội là mấu chốt để giúp Thủ đô quản lý, khai thác, huy động được nguồn lực tạo đà cho phát triển.

Tiến sỹ Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù, đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt.

Thủ đô không phải riêng của Hà Nội mà là của cả nước. Cho nên, Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh cũng là động lực phát triển cho cả nước.

Khi đó, Hà Nội sẽ vì cả nước và cả nước cùng chung tay đưa Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

ttxvn_2106_truong xuan cu.jpg
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trương Xuân Cừ phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Để đạt được mục tiêu này, các chính sách phải mang tính đột phá, đặc thù, khi đó Thủ đô phát triển sẽ không gặp phải rào cản về thủ tục hành chính.

Theo Tiến sỹ Trương Xuân Cừ, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm; hy vọng sau khi Luật được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, khi đó cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững là rất khả thi.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rõ các cơ chế, chính sách đặc thù; đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ; lĩnh vực phân quyền toàn diện nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Đơn cử, về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban Nhân dân thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ.

Đối với chính sách tài chính, ngân sách, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần.

Ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời.

Tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

 

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép Hà Nội được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo quy định một số nội dung về liên kết, phát triển vùng Thủ đô nhằm cụ thể hóa chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Phong, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết về mô hình tổ chức, chính quyền Thủ đô thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội; tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng Nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng Nhân dân.

Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung đặc thù như: Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố thuộc thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố; quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như: Tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách...

Đồng quan điểm, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới cho Thủ đô một nước có trên 100 triệu dân.

Luật Thủ đô đã có nhưng trước đó vẫn ở một tầm cấp khác, còn Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều đột phá ở các khía cạnh khác nhau về quy mô, nội dung, đầu tư, chính sách thu hút, nâng cấp, phát triển Hà Nội...

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) còn mang tính lan tỏa cho cả vùng xung quanh Thủ đô.

ttxvn_2106_hoa lac.jpg
Khu đô thị Hòa Lạc thuộc địa bàn huyện Thạch Thất với mục tiêu phát triển trở thành đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị được quy hoạch xung quanh trung tâm Thủ đô. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, chia sẻ cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ khơi dậy và khai thác được các nguồn lực, đồng thời tạo động lực cho Hà Nội phát triển.

Hà Nội sẽ có không gian mới để mở rộng ra phía Bắc sông Hồng, đây là cơ hội để Hà Nội phát triển thành phố hai bên sông, giãn số dân trong nội đô, đẩy mạnh không gian phát triển về phía Bắc.

Hà Nội cũng sẽ có điều kiện phát triển trung tâm mới là những thành phố khoa học công nghệ ở phía Tây, đưa các trường đại học, khu nghiên cứu lên khu vực Hòa Lạc, đưa khu vực này trở thành cực phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút các nhà khoa học, các ngành công nghệ mới cho Thủ đô. Đây là những điểm mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo đà cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, vừa là chương trình triển khai các quy hoạch, nhưng đồng thời cũng là những chương trình hành động cho việc thực hiện các chính sách mà Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra.

Các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được đưa ra trong Luật cũng như trong định hướng quy hoạch rất cởi mở và đột phá. Vấn đề quan trọng là phải có những con người thật sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực thi những quyền năng, nhiệm vụ mà Luật Thủ đô (sửa đổi) trao cho.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương, 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều (bổ sung Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước)./.

Nguồn: Tạo chính sách vượt trội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững | Vietnam+ (VietnamPlus)