Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến kết nối. Thứ nhất, tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147 km. Tuyến thứ 2 là kết nối thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài hơn 51 km.
Trong đó, chiều dài đoạn nâng cấp cải tạo 46,8 km, đoạn xây dựng mới dài 4,6 km, theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Tuyến đi qua địa phận của huyện Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái. Điểm đầu tại Km0+0.00, nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Km149+705, cao tốc Nội Bài - Lào Cai) thuộc địa phận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối tại Km54+069.24 giao với QL32 tại lý trình Km209+500 thuộc địa phận thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Những ngày này, thời tiết nắng nóng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 - 40 độ C, phóng viên Tạp chí GTVT có mặt tại công trường để ghi nhận tình hình triển khai thi công Tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận tỉnh Yên Bái. Theo ghi nhận của phóng viên, trên hiện trường dự án, hàng trăm kỹ sư, công nhân cùng máy móc thiết bị đang triển khai thi công rầm rộ, tiếng máy móc rền vang suốt ngày đêm tại 3 gói thầu của Tuyến nối Nghĩa Lộ, gồm CW-09, CW-10 và CW-11 trải dài 53 km trên địa phận tỉnh Yên Bái.
Tại công trường gói thầu CW-09, trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT, ông Trần Nhật Phong, Phó Giám đốc dự án phụ trách tuyến 2 cho biết, tất cả các hạng mục thi công tại cả 3 gói thầu hiện đang đáp ứng chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Cụ thể tại gói thầu CW-09 có giá hợp đồng được chấp thuận là 281,37 tỷ đồng; khởi công từ tháng 6/2022, thời gian thực hiện là 30 tháng. Lũy kế khối lượng thực tế thi công trên công trường là 231,309/281,37 tỷ đồng, đạt 87,4%.
Nhiều đoạn trên gói thầu CW-09 đã hoàn thành thảm bê tông nhựa 2 lớp, phương tiện lưu thông rất êm thuận
Thực tế trên công trường, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang nỗ lực hoàn thành gói thầu CW-09, rút ngắn tiến độ theo kế hoạch khoảng 6 tháng. "Tuy nhiên, trên tuyến hiện có vướng mắc mặt bằng tại một số vị trí. Ban QLDA 2 đang phối hợp với địa phương để tháo gỡ, cố gắng cao nhất để hoàn thành gói thầu trong tháng 7 tới đây", ông Phong nói.
Tại gói thầu CW-10 có giá hợp đồng được chấp thuận là 406,36 tỷ đồng; khởi công từ tháng 10/2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2024. Lũy kế khối lượng thực tế thi công trên công trường là 200,170 tỷ đồng. Hiện nay, khối lượng thực hiện gói thầu đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, đây là gói thầu có nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt bằng nên cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của địa phương để bảo đảm tiến độ hoàn thành vào tháng 11 tới.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Đức, cán bộ giám sát hiện trường gói thầu CW-10 cho biết, gói thầu có chiều dài 19,6 km, tiến độ hiện đạt khoảng 51%. Trên công trường đang nỗ lực thi công ngày, đêm, cố gắng đến tháng 11 sẽ kết thúc theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, tiến độ thực tế có thể sẽ bị "xê dịch", nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chung của toàn dự án."Tất cả các công đoạn thi công đều được đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án", ông Đức khẳng định.
Gói thầu CW-11 qua địa bàn huyện Văn Chấn có giá hợp đồng được chấp thuận là 611,999 tỷ đồng; khởi công từ tháng 6/2023, thời gian thực hiện là 23 tháng. Lũy kế khối lượng thực tế thi công trên công trường là khoảng 18,4 tỷ đồng. Khối lượng thi công tại gói thầu này chậm tiến độ so với kế hoạch do khó khăn trong công tác GPMB nên làm ảnh hưởng đến công tác triển khai thi công.
Đã 1 năm kể từ ngày khởi công, tuy nhiên gói thầu mới được bàn giao khoảng hơn 10% mặt bằng. Chủ đầu tư đang nỗ lực phối hợp với huyện Văn Chấn nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng để gói thầu được bàn giao mặt bằng trong tháng 9 tới đây để bảo đảm hoàn thành gói thầu đúng kế hoạch tháng 5/2025.
Thông tin cụ thể về gói thầu CW-11 của dự án, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, gói thầu này có địa hình phức tạp, công tác khảo sát giai đoạn thiết kế kỹ thuật cách giai đoạn khảo sát thiết kế bản vẽ thi công hơn 3 năm, cọc GPMB được cắm theo thiết kế cơ bản sang thiết kế kỹ thuật có điều chỉnh một số đoạn tuyến, nên có một số vị trí sai khác giữa thiết kế cắm cọc GPMB và thiết kế bản vẽ thi công. Ban QLDA 2 đã làm việc và thống nhất với thường trực Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Văn Chấn xác định các vị trí cần điều chỉnh và đã gửi hồ sơ điều chỉnh GPMB tới địa phương.
Theo Ban QLDA 2, một trong những khó khăn, vướng mắc của Tuyến nối Nghĩa Lộ là công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế. Trên cơ sở các quy định hiện hành về thẩm quyền, trách nhiệm, cũng như thực tế triển khai công tác GPMB của dự án qua địa phận tỉnh Yên Bái, Ban QLDA 2 đang tích cực thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến việc thu hồi diện tích rừng và công tác trồng rừng thay thế.
Trong đó, Ban QLDA 2 đã đề nghị UBND tỉnh Yên Bái giao việc tiếp nhận kinh phí và tiến hành nộp tiền trồng rừng thay thế của dự án cho đầu mối của địa phương. Để thuận tiện trong công tác chuyển kinh phí, Ban QLDA 2 đã đề nghị UBND tỉnh cân nhắc, quyết định việc giao đầu mối cho chủ đầu tư GPMB đang thực hiện công tác GPMB cho dự án.
Ban QLDA 2 cũng đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo đơn vị đầu mối tổng hợp chi phí nộp tiền trồng rừng thay thế vào phương án kinh phí GPMB chung, cũng như tiến hành thủ tục nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ kinh phí GPMB đã được bố trí từ nguồn vốn đối ứng của dự án.
Song hành với đó, Ban QLDA 2 đề nghị UBND huyện Văn Yên bổ sung thêm nhân sự có năng lực sớm hoàn thành các thủ tục và phê duyệt phương án đền bù cho các hộ dân còn lại của gói thầu CW-09 và CW-10 trong tháng 6.
Đối với một số hộ dân đã hoàn thành các thủ tục đền bù theo quy định, nhưng không nhận tiền và bàn giao mặt bằng do không thống nhất về đơn giá đền bù, Ban QLDA 2 đề nghị chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền để sớm bàn giao trong tháng 6.
Ban QLDA 2 cũng đề nghị UBND huyện Văn Chấn chỉ đạo Hội đồng GPMB, các phòng, ban liên quan lập lại kế hoạch hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án đền bù. Đồng thời huy động nhân sự xử lý các nội dung phương án đền bù, chi trả, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. Đối với các vị trí điều chỉnh bàn đồ thu hồi, cần phối hợp và tạo điều kiện đẩy nhanh các thủ tục để sớm có phê duyệt phương án đền bù.
Ngoài ra, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật cần được đẩy nhanh, ưu tiên thực hiện di dời các công trình hệ thống điện trong phạm vi đã bàn giao mặt bằng và hoàn thành trong tháng 6.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc khởi công từ tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư hơn 5.370 tỷ đồng, tương đương 236,673 triệu USD, gồm: 188,363 triệu USD vốn vay ADB; 4,481 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và 43,829 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.