Tang cuong quan he hop tac giua Viet Nam va Vuong quoc Bi hinh anh 1Quang cảnh cuộc tọa đàm. (Ảnh: Thanh Thảo/TTXVN phát)

Ngày 23/2, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt-Bỉ (Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam) tổ chức Tọa đàm giao lưu nhân dân với chủ đề "Sáng kiến và tương lai hợp tác phát triển Việt-Bỉ." Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ (23/3/1973 - 23/3/2023).

Tại sự kiện, Trưởng ban châu Âu-Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Nguyễn Thị Thu Giang cho biết Vương quốc Bỉ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên sớm công nhận và chính thức thiết lập quan hệ với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 23/3/1973.

Trong giai đoạn những năm 70-80 của thế kỷ trước, Chính phủ và nhân dân Bỉ đã dành cho Việt Nam sự quan tâm quý báu thông qua các dự án viện trợ, góp phần tích cực đối với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Đến nay, trải qua chặng đường 50 năm, quan hệ song phương giữa Việt Nam-Vương quốc Bỉ không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giaothương mại, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, hợp tác khoa học-công nghệ, hợp tác phát triển... ở cả cấp liên bang, vùng và cộng đồng.

Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương tính đến tháng 12/2022 đạt khoảng 4,5 tỷ USD. Việt Nam và Bỉ thiết lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế vào năm 2011, trở thành đối tác chiến lược của nhau trong hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2018.

Tang cuong quan he hop tac giua Viet Nam va Vuong quoc Bi hinh anh 2Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Bỉ phát biểu. (Ảnh: Thanh Thảo/TTXVN phát)

Bỉ không chỉ là một trong những quốc gia tích cực thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mà còn là nước luôn đi đầu trong việc triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA vì lợi ích của hai bên, cũng như vì lợi ích chung trong quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).

[Chủ tịch Hạ viện Bỉ khẳng định ủng hộ tăng cường hợp tác với Việt Nam]

Hiện nay, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam tại EU và là nước tích cực quan tâm, có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực logistics và phát triển hạ tầng mà Bỉ có thế mạnh.

Quan hệ hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học cũng là điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Vương quốc Bỉ. Tại Việt Nam, trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels Việt Nam với hơn 25 năm hoạt động đã trở thành cơ sở đào tạo cao học quản lý kinh tế, quản lý công có uy tín và chất lượng cao.

Việt Nam và Bỉ ngày càng quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của hai bên. Trong những năm gần đây, Bỉ trở thành một trong năm nước EU có nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam theo học bậc cử nhân và sau đại học.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Bỉ tích cực hợp tác về khoa học-công nghệ, giao thông vận tải và quốc phòng an ninh (hai nước có hợp tác trong việc xử lý bom mìn, quân y, khoa học kỹ thuật quân sự, trao đổi đào tạo học viên quân sự...). Hai bên mở rộng hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực hợp tác chống biến đổi khí hậu và an ninh phi truyền thống.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực hiện nay diễn biến phức tạp, khó lường, sự đoàn kết, tiếng nói chung ủng hộ hòa bình của nhân dân thế giới là một yếu tố quan trọng và cần được phát huy sức mạnh nhằm duy trì sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia cũng như trên toàn thế giới.

Với nền tảng ổn định sẵn có trong nhiều năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác giao lưu nhân dân giữa Việt Nam-Bỉ ngày càng được tăng cường, trong đó có nhiều đóng góp thiết thực từ kết quả hoạt động của các tổ chức nhân dân như Hội Hữu nghị Việt-Bỉ, Hội Hữu nghị Bỉ-Việt, Liên minh Bỉ-Việt...

Tang cuong quan he hop tac giua Viet Nam va Vuong quoc Bi hinh anh 3Các đại biểu thảo luận bên lề cuộc tọa đàm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, các tổ chức nhân dân cần đổi mới nội dung, thay đổi phương thức để thu hút, huy động thêm nhiều nguồn lực, các hoạt động giao lưu văn hóa có tính lan tỏa rộng rãi hơn, kết nối hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Bỉ ngày càng sâu sắc hơn.

Tọa đàm là dịp để cả phía Bỉ và Việt Nam có thể cùng trực tiếp trao đổi thông tin, thảo luận và đưa ra những sáng kiến, ý tưởng, phương thức mới phù hợp, thiết thực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt giữa thế hệ trẻ của hai nước, từ đó khai thác tối đa các tiềm năng và mở rộng cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa nhân dân Việt Nam-Bỉ.

Với khoảng 13.000 người đang sinh sống và làm việc tại Bỉ hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Giang hy vọng cộng đồng người Việt tại Bỉ trong thời gian tới sẽ tiếp tục là cầu nối, là nhân tố tích cực trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân có hiệu quả ở cả Việt Nam và Bỉ.

Tại tọa đàm, các đại biểu cùng thảo luận các sáng kiến, ý tưởng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, bao gồm văn hóa, ngoại giao, thương mại, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ.../.

Tang cuong quan he hop tac giua Viet Nam va Vuong quoc Bi hinh anh 4Các đại biểu thảo luận bên lề cuộc tọa đàm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

 

Thuận Phương (TTXVN/Vietnam+)