Tai nạn liên tiếp trên QL37 mới qua Thái Bình: Thiết kế nút giao "có vấn đề"?
09:24 - 03/11/2023
Sau hơn 8 tháng thông xe, một nút giao giữa QL37 mới (thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình) và Tỉnh lộ 456 xảy ra 4 vụ TNGT, làm 3 người thiệt mạng, trở thành "điểm đen" TNGT.
4 vụ TNGT sau hơn 8 tháng thông xe, 3 người thiệt mạng
Sau hơn 17 tháng thi công, ngày 15/2/2023, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức thông xe kỹ thuật Dự án Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu Sông Hóa. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, do Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư, Ban QLDA Giao thông nông thôn (trực thuộc Sở GTVT Thái Bình) quản lý dự án; nhà thầu tư vấn thiết kế là Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn – hầm và Công ty CP Tư vấn đầu tư Bắc Việt (Liên danh BRITEC-IBC); nhà thầu thi công là Tổng công ty Đầu tư xây dựng Quyết Tiến.
Dự án có quy mô xây dựng tuyến đường chính dài 7,4 km và tuyến nối dài gần 2,2 km, với điểm đầu tại Km0+554 (nút giao Ngoại Trình) và điểm cuối tại Km7+400 tiếp nối với dự án QL37 đoạn qua Hải Phòng. Trong đó, đoạn Km0 – Km1+500 bám theo hướng tuyến cũ, còn từ Km1 + 500 đến Km7 +400 xây dựng tuyến mới. Về cấp đường, đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Thái Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 4054-2005, quy mô đường cấp III đồng bằng, với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Theo khảo sát cuối tháng 10/2023 của PV Tạp chí GTVT, trên đoạn QL37 mới được cải tạo, nâng cấp thuộc địa phận tỉnh Thái Bình thường xuyên đông đúc phương tiện lưu thông và tạo thuận lợi cho giao thông trong khu vực. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tại khu vực nút giao giữa Km3 QL37 mới (thuộc đoạn tuyến xây dựng mới (Km1+500 – Km7+400, địa phận xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy; ngay phía trước trụ sở Công an huyện Thái Thụy) với Tỉnh lộ 456 của Thái Bình đến nay đã hình thành "điểm đen" TNGT. Bởi chỉ hơn 8 tháng sau khi thông xe kỹ thuật, tại nút giao này đã xảy ra 4 vụ TNGT, khiến 3 người thiệt mạng, một số phương tiện bị hư hỏng.
Vụ gần đây nhất, theo Công an huyện Thái Thụy, khoảng 15h30 ngày 25/10/2023, tại Km3 QL37, anh Phạm Văn Luận (sinh năm 1967, xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy) điều khiển mô tô BKS 17H – 016.12 lưu thông trên QL37 theo hướng Diêm Điền – Hải Phòng xảy ra va chạm với mô tô BKS 34H5-8399 lưu thông trên đường tỉnh theo hướng Thụy Liên – Thụy Trình. Hậu quả, người điều khiển xe 34H-8399 là ông Vũ Viết Khào (sinh năm 1960, xã Hồng Dũng, huyện Thái Thụy) bị thương, phải đưa đi cấp cứu.
Trước đó, khoảng 8h30 ngày 8/8/2023, tại nút giao trên, xảy ra vụ TNGT khiến 1 người chết, 2 phương tiện hư hỏng nặng. Còn trong tháng 5/2023, khoảng 17h05 ngày 13/5/2023, xảy ra vụ va chạm giữa ô tô và xe máy, khiến người điều khiển xe máy là bà Nguyễn Thị Toan (sinh năm 1959, trú tại khu 8, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng đến 19h20 cùng ngày thì tử vong.
Tiếp đó, khoảng 6h30 ngày 18/5 xảy ra vụ tai nạn giữa xe hai mô tô, khiến nạn nhân là Phạm Văn Hiển (sinh năm 1988, thôn Đoài Nghĩa, xã Thụy Liên, Thái Thụy) tử vong tại hiện trường. Hai vụ TNGT trên đều trong tình huống một phương tiện lưu thông trên QL37 và một xe lưu thông từ đường tỉnh ra quốc lộ, khi đến ngã tư thì xảy ra va chạm.
Lãnh đạo Công an huyện Thái Thụy cho biết, trong tháng 7 và 8/2023, Công an huyện Thái Thụy liên tiếp có các văn bản đề nghị UBND huyện Thái Thụy kiến nghị Sở GTVT Thái Bình kiểm tra, khảo sát nút giao trên để xử lý, khắc phục các bất cập hạ tầng tại "điểm đen" TNGT này. Ngày 22/8/2023, UBND huyện Thái Thụy cũng có văn bản gửi, đề nghị Sở GTVT Thái Bình sớm khắc phục, xử lý "điểm đen" TNGT trên.
Thiết kế nút giao "rối rắm", gây nguy hiểm
Theo khảo sát của PV Tạp chí GTVT, thông thường ở nhiều nút giao ngã tư giữa quốc lộ và đường tỉnh được thiết kế, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoặc đảo tròn ở giữa để phương tiện lưu thông theo vòng xoay.
Còn tại nút giao giữa QL37 mới tại Km3 và Tỉnh lộ 456 không có đèn tín hiệu, không có vòng xoay ở giữa mà thiết kế, lắp đặt 4 dải phân cách ở 4 góc, khiến diện tích dành cho lưu thông bị thu hẹp lại và tạo ra nhiều hướng di chuyển rối, xung đột lớn. Đặc biệt vào ban đêm, thời tiết xấu khiến người điều khiển phương tiện càng khó khăn khi quan sát, phán đoán hướng di chuyển của các phương tiện khác.
Cụ thể, các dải phân cách ở góc ngã tư có hình cánh cung (chiều dài khoảng hơn 10 m, rộng 1 - 3 m, chiều cao khoảng 20 cm) nhằm tạo ra một hướng cho phương tiện rẽ phải (để không phải đi qua trung tâm nút giao), chỉ còn phương tiện đi thẳng và rẽ trái đi qua tâm nút giao.
Tuy nhiên, trường hợp phương tiện vào trung tâm nút giao vẫn có vạch sơn cho phép rẽ phải, nên phương tiện khi đi vào giữa nút giao có thể lưu thông theo 3 hướng: đi thẳng, rẽ trái (để sang đường) hoặc rẽ phải.
Với 4 hướng phương tiện tiến vào nút giao (để đi thẳng, rẽ trái hoặc phải) đi qua ngã tư (hai hướng trên quốc lộ, hai hướng từ tỉnh lộ) gây ra xung đột lớn giữa các phương tiện, khiến giao thông bị "rối", làm cho người điều khiển phương tiện khó quan sát, khó phán đoán hướng đi của các phương tiện khác.
Mặt khác, các dải phân cách ở 4 góc ngã tư cũng khiến người điều khiển phương tiện hạn chế tầm quan sát, cũng như việc nút giao không được thiết kế, lắp đặt đủ hệ thống đèn chiếu sáng nên càng nguy hiểm vào ban đêm hoặc thời tiết xấu. Các yếu tố trên khiến nguy cơ cao xảy ra va chạm, TNGT bên trong nút giao.
Từ thực tế các vụ TNGT đã xảy ra, Công an huyện Thái Thụy cũng đã đề xuất cải tạo lại hạ tầng giao thông tại nút giao này để phòng ngừa TNGT.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình do Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư, đơn vị thiết kế là Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn – hầm và Công ty CP Tư vấn đầu tư Bắc Việt. Nút giao tại Km3 QL37 và Đường tỉnh 456 của Thái Bình hiện đang trở thành "điểm đen" TNGT chờ xử lý
Chờ hoàn thành bàn giao xong dự án mới xử lý "điểm đen" (!?)
Theo Thông tư số 26/2012 của Bộ GTVT quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác, tiêu chí để xác định "điểm đen" TNGT là trong 12 tháng tại một vị trí, một đoạn đường hay một khu vực nút giao thuộc một trong các trường hợp: xảy ra 2 vụ TNGT có người chết; 3 vụ TNGT trở lên, trong đó có người chết; 4 vụ TNGT trở lên, nhưng chỉ có người bị thương. Với quy định trên, nút giao ngã tư tại Km3 QL37 với Tỉnh lộ 456 hiện đang trở thành "điểm đen" TNGT và cần được sớm xử lý, khắc phục để phòng ngừa xảy ra thêm tai nạn.
Theo Công an huyện Thái Thụy, sự bất hợp lý trong việc thiết kế, tổ chức nút giao thông nói trên là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Do đó, trong văn bản gửi UBND huyện Thái Thụy để kiến nghị Sở GTVT Thái Bình, Công an huyện Thái Thụy đề xuất các giải pháp: bố trí lại hoặc tháo bỏ đảo giao thông để phương tiện di chuyển được thuận lợi, an toàn; tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, biển cảnh báo giao thông; khảo sát, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao QL37 và Tỉnh lộ 456.
Tuy vậy, đến nay Sở GTVT Thái Bình (chủ đầu tư) chưa có giải pháp hoặc xác định trách nhiệm khắc phục, xử lý "điểm đen", nhất là dự án vẫn đang trong thời gian chờ bàn giao cho Cục Đường bộ VN. Vấn đề được đặt ra là chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công có trách nhiệm thế nào trong trường hợp thiết kế, thi công nút giao không bảo đảm ATGT, là nguyên nhân dẫn đến hình thành "điểm đen" TNGT.
Cụ thể, ngày 7/9/2023, Sở GTVT Thái Bình có công văn gửi UBND huyện Thái Thụy khẳng định, tại nút giao giữa QL37 mới và Tỉnh lộ 456 đã được bố trí đầy đủ hệ thống vạch sơn biển báo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định.
"Hiện nay Dự án Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu Sông Hóa đang được Sở GTVT thực hiện việc bàn giao để đưa công trình vào khai thác sử dụng. Ngay sau khi dự án được bàn giao cho cơ quan quản lý và khai thác, Sở GTVT sẽ phối hợp với UBND huyện Thái Thụy xem xét, đánh giá mức độ ATGT tại nút giao này và báo cáo Cục Đường bộ VN cho phép thực hiện sửa chữa và cải tạo để đảm bảo an toàn giao thông (nếu cần thiết)", nội dung văn bản do Phó giám đốc Sở GTVT Bùi Anh Tuấn ký.
Đáng chú ý, văn bản của Sở GTVT Thái Bình cũng đồng thời đề nghị chính quyền địa phương: "Trước mắt, đề nghị UBND huyện Thái Thụy chỉ đạo đơn vị có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Giao thông đường bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm nhằm nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông qua nút giao để góp phần phòng ngừa TNGT".
Tạp chí GTVT sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc vấn đề này.