Tái hiện quang cảnh lều chõng của sĩ tử xưa
15:31 - 22/01/2023
Nhằm phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài” của các bậc tiền nhân, khích lệ các thể hệ trẻ phát huy giá trị truyền thống hiếu học của cha ông, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kết hợp với Trung tâm Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tái hiện quang cảnh trường thi xưa tại Trường Quốc học đầu tiên Việt Nam.
“Thi thiên, phú bách, văn sách ngũ thập”
Ngày xưa, quá trình của một sĩ tử bắt đầu đi học đến lúc thi khoảng mười năm, gọi là “thập niên đăng hỏa” (mười năm đèn sách). Khoa cử được coi là “chính đồ” (con đường đúng đắn) để thành danh nên rất được người đời coi trọng. Song đó cũng là áp lực lớn, không chỉ “một người thi đỗ cả nhà mong” mà còn là cả gia tộc mong đợi vì nếu thi đỗ sẽ làm quan, mà “một người làm quan cả họ được nhờ”.
Từ 6, 7 tuổi, trẻ học sách Tam tự kinh (kinh ba chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ) rồi Ngũ ngôn (văn 5 chữ) và tập làm câu đối đơn giản từ 2 đến 4 chữ. Từ10 tuổi trở đi học trò làm quen rồi thuộc lòng sách kinh điển Nho giáo (Tứ thư, Ngũ kinh...). Trên cơ sở kiến thức đã “nhập tâm” ấy để soạn kinh sách, viết văn, làm thơ và tập soạn thảo các loại văn bản của triều đình...
Với mục đích chọn người làm quan nên thi cử thời xưa đi vào con đường mòn giáo điều, công thức. Sĩ tử phải thuộc lòng kinh sách nên mới có câu: “Thi thiên, phú bách, văn sách ngũ thập” (tức thuộc nghìn bài thơ, trăm bài phú, năm mươi bài văn sách là có thể thi đỗ).
Nhà nước tổ chức 3 kỳ thi: Hương, Hội, Đình. Thi Hương có ba vòng (tam trường) hoặc bốn vòng (tứ trường). Vòng đầu hỏi về kinh nghĩa (ở các sách đời xưa). Vòng hai thi chiếu biểu (soạn thảo chiếu, biểu, sớ...). Vòng ba thi sáng tác thơ phú theo chủ đề nhất định. Vòng bốn thi văn sách để viết các bài tự luận. Thi Hội tổ chức ở kinh đô (Thăng Long, Huế). Thi Đình tổ chức trong cung cấm, do Nhà Vua ra đề.
Lịch sử khoa cử phong kiến bắt đầu từ năm 1075 đến kỳ cuối cùng (1919) có tất cả 187 khoa thi Hội, tuyển được 2.991 vị tiến sĩ, trong đó chọn được 46 trạng nguyên. Thi không căn cứ vào tuổi nên có người rất trẻ đã đỗ cao như Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, có người rất già như Đoàn Tử Quang đỗ Cử nhân khi đã 82 tuổi... 82 bia đá khắc tên 1307 lượt Tiến sĩ thi đỗ qua 82 khoa thi dưới triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là những pho sử đá khẳng định niềm tự hào của truyền thống hiếu học của Việt Nam.
TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay, các bài văn bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung, nền khoa cử Việt Nam nói riêng dưới nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Cùng với sự tồn tại của truyền thống khoa cử trong thời phong kiến, các triều đại quân chủ trước đây đều quan tâm xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long.
Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kết tinh trí tuệ và bàn tay tài khéo của các nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu trong suốt thời gian gần 300 năm, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học và những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của dân tộc.
Tái hiện lều chõng thi cử xưa
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho hay, trưng bày "Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên" giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những tấm ảnh màu lần đầu tiên được công bố trưng bày tại di tích và hiện vật khảo cổ rất quý giá minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám.
Trải qua hơn 700 năm phát triển, suy thịnh tùy thời, Quốc Tử Giám - ăng Long vẫn luôn song hành với sự phát triển của giáo dục khoa cử Đại Việt và cùng gánh vác sứ mệnh vun bồi nguyên khí, cử người hiền dùng người tài mà lịch sử đã giao phó. Từ ngôi trường này, lớp học trò được nuôi dưỡng bằng tri thức và đạo đức, với những cống hiến bền bỉ trở nên ành Đức - Đạt Tài, những bậc quân tử khí tiết, đức độ và để lại tiếng thơm cho đời sau.
Trưng bày "Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên" chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Trưng bày trong nhà sẽ đưa người xem ngược thời gian trở về với Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử với khởi đầu là thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đỉnh cao là thời Lê - Mạc - Lê Trung Hưng, biến đổi dưới thời Nguyễn và sự hồi sinh của di tích thời đương đại. Gắn với mỗi giai đoạn phát triển, Quốc Tử Giám lại ghi dấu ấn bởi các danh nhân văn hóa hay sự kiện tiêu biểu tại ngôi trường này.
Trưng bày ngoài trời là không gian giúp người xem gợi nhớ về cuộc đời của một nho sinh với mái trường tại làng quê, cảnh thi cử nơi kinh thành và rồi lại trở về quê hương vinh quy bái tổ.
Một số hoạt động của các làng nghề chế tác các vật dụng của các sĩ tử xưa như giấy dó cũng được diễn ra tại đây... Việc tái hiện các không gian này được BTC thực hiện dựa trên sử sách ghi lại và có sự tham vấn của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Theo sử sách ghi lại, kỳ thi Hương tổ chức ở một bãi đất trống được rào xung quanh, canh gác cẩn thận. Sĩ tử phải mang lều chiếu, ống quyển, bầu nước, đồ ăn... vào đó dựng lều mà làm bài. “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” là như thế. Việc coi thi rất ngặt nghèo, sĩ tử mang tài liệu vào sẽ bị gông cổ, phạt đánh roi và cấm thi nhiều kỳ. Bài thi quy định rất chặt chẽ về cách dùng từ, viết câu...
Một số khoa thi buổi đầu được tổ chức ngay ở Trường Quốc Tử Giám. Còn về sau, giống như thi Hương, mỗi lần thi là một lần làm trường. Trường làm bằng tre lợp tranh, rào dậu xung quanh bằng nứa. Trường chia làm 3 khu vực: Khu nội liêm dùng cho khảo quan ở, khu ngoại biên là nơi ở của các quan giám thị và khu vực dành cho thí sinh.
Cả trường thi chia làm 8 ô vuông, có một con đường chạy dọc và con đường chạy ngang ở chính giữa để chia 8 ô thành 4 phần bằng nhau gọi là đường thập đạo. Giữa trung tâm đường thập đạo, người ta dựng một ngôi nhà gọi là nhà thập đạo. Từ nhà thập đạo trông ra phía trước có một thông ra ngoài gọi là cửa tiền. Trên đường thập đạo theo hàng ngang người ta dựng 3 chòi canh: một cái ngay chính giữa và hai cái hai bên để quan giám thị quan sát thí sinh làm bài. Bên ngoài là hàng rào 4 mặt vây kín. Để đảm bảo an toàn cho cuộc thi, triều đình còn sai lính cưỡi ngựa qua lại canh phòng. Khi cuộc thi tiến hành có các quan trông coi giám sát gọi là quan trường.
Đến ngày thi, bộ Lễ phải biết đặt ngự tọa (chỗ vua ngồi ở giữa điện Cần Chánh). Sau lễ khai mạc, bá quan văn võ chia ban đứng trực sẵn ở bên thềm điện, nghi vệ, cờ xí, trang hoàng lộng lẫy. Hồi trống thứ nhất nổi lên báo hiệu cho các quan văn, võ sửa mũ áo và tiến sát cửa điện đứng chầu. Hồi trống thứ hai, kiệu vua ngự giá ra giữa điện. Quan tự ban (tổ chức) dẫn các quan văn chầu bên tả, các quan võ chầu bên hữu.
Các thí sinh đứng sau hàng quan văn, khi vua ra phải lạy 5 vái. Từng thí sinh được gọi vào trước ngự tọa để nhận giấy bút và phòng làm bài. Vua chấm duyệt từng quyển của thí sinh. Ngày công bố kết quả, các quan tân khoa được tiếp đãi lễ triều ở điện Thái Hòa, các quan văn, võ chia ban mũ áo chỉnh tề chầu vua ở ngự điện. Các vị tân khoa được hướng dẫn quì ở phía trái thềm điện để lĩnh mũ, áo vua ban.
Quan tuyên lễ xướng tên và yết bảng tải lầu Phu văn 3 ngày. Vua đãi yến các vị tân khoa tại sảnh đường bộ Lễ. Bộ Lễ phát cho mỗi tân khoa một cành trâm cài đầu, cho thăm vườn ngự uyển, cho cưỡi ngựa đi thăm phố xá, kinh thành, nghi thức này có thời chỉ dành cho tam khôi và vinh quy bái tổ. Triều đình ra lệnh cho dân chúng các địa phương có người đỗ tiến sĩ phải đón rước linh đình và dân hàng tổng phải làm đình nghè cho ở. Vậy nên danh từ ông nghè chỉ các tiến sĩ cũng từ đó mà ra.