Sua Luat cac to chuc tin dung: Can sat thuc te, tranh thao tung hinh anh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Luật các tổ chức tín dụng đóng vai trò hết sức quan trọng cho hoạt động của hệ thống các ngân hàng. Tuy nhiên, sau 12 năm đã phát sinh một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp.

Kéo dài thời hạn tài sản là bất động sản

Đối với dự thảo sửa đổi luật lần này, vấn đề được nhiều tổ chức tín dụng quan tâm nhất là liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Theo quy định, tổ chức tín dụng được quyền nắm giữ các bất động sản khi người vay thế chấp để cấn trừ nợ, tuy nhiên trong vòng 3 năm phải bán đi hoặc phải mua lại để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc nhưng thực tế nhiều bất động sản không dễ bán, nhất là những bất động sản có giá trị lớn.

Quy định này khiến nhiều ngân hàng đứng trước cảnh tiến thoái lưỡng nan: Mua lại bất động sản thì không có nhu cầu là trụ sở kinh doanh, bán thì không tìm được người mua hoặc có thể bị thấp hơn giá trị cấn trừ nợ.

[Yêu cầu các tỉnh, thành phố hỗ trợ thực hiện xử lý nợ xấu]

Ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Pháp chế Vietcombank cho rằng không ai bảo đảm sau 3 năm thì sẽ bán được giá ngang bằng với lúc nhận cấn trừ nợ đối với tài sản đấy. Đây là quan ngại của các tổ chức tín dụng.

 

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Ban Pháp chế BIDV - Phó Chủ nghiệm câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cho rằng quá trình thực hiện quy định trên có nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình là chưa làm rõ được về thời điểm “nắm giữ bất động sản” là thời điểm tổ chức tín dụng nhận bàn giao tài sản từ khách hàng/bên bảo đảm/bên thứ ba/cơ quan có thẩm quyền hay kể từ thời điểm tổ chức tín dụng ra quyết định xử lý.

Trong khi trên thực tế, kể từ thời điểm ngân hàng thu giữ/nhận bàn giao tài sản bảo đảm (hoặc tài sản không phải là tài sản bảo đảm do khách hàng/bên thứ ba/cơ quan thi hành án bàn giao để tổ chức tín dụng tự xử lý) cho đến khi xử lý xong thường kéo dài. Chưa kể nhiều trường hợp sau đó phát sinh tranh chấp khiến việc xử lý bất động sản không thực hiện được. Do vậy việc quy định tổ chức tín dụng chỉ nắm giữ bất động sản để xử lý trong thời hạn 3 năm là chưa khả thi.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng nắm giữ bất động sản trong trường hợp này cũng khó thực hiện được việc kinh doanh bất động sản do về pháp lý bất động sản chưa được chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng nên tổ chức tín dụng chưa có đầy đủ quyền sở hữu để kinh doanh, khai thác.

Để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sử dụng được nhiều nguồn lực, phương thức để xử lý nợ, thu hồi vốn nhưng đồng thời vẫn bảo đảm quản lý Nhà nước trong việc hạn chế các nhà băng thực hiện kinh doanh bất động sản, bà Phương cho rằng không nhất thiết phải chuyển dịch hoàn toàn về mặt sở hữu sang các tổ chức tín dụng bởi vì các đơn vị này bị hạn chế về đầu tư tài sản cố định và dựa trên tỷ lệ vốn tự có.

Sua Luat cac to chuc tin dung: Can sat thuc te, tranh thao tung hinh anh 2Các tổ chức tín dụng cho rằng việc quy định tổ chức tín dụng chỉ nắm giữ bất động sản để xử lý trong thời hạn 3 năm là chưa khả thi. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Bà Phương cũng kiến nghị đối với tài sản thế chấp là bất động sản trong thời hạn 5 năm (hoặc một thời điểm cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá là phù hợp) kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng thay vì 3 năm như đang thực hiện.

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp đề nghị nên quy định tổ chức tín dụng có quyền bán tài sản mà không cần đăng ký biến động chủ sở hữu.

Trách nhiệm của cơ quan công quyền

Đối với nội dung xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bà Nguyễn Thị Hoài Vân - Giám đốc cao cấp quản trị quan hệ công của Techcombank cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Cụ thể, theo bà Vân, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc xác nhận tổ chức tín dụng đã thực hiện việc niêm yết thông báo thu giữ tài sản bảo đảm tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã. Trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc cử đại diện có mặt theo yêu cầu của tổ chức tín dụng để chứng kiến việc thu giữ tài sản bảo đảm và xác nhận biên bản thu giữ tài sản bảo đảm; trách nhiệm của cơ quan công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự cho tổ chức tín dụng trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

“Trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn. Do vậy, cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay/bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các tổ chức tín dụng,” bà Vân nhấn mạnh.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, đại diện Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết Điều 188 của dự thảo Luật quy định tổ chức mua bán xử lý nợ xấu sẽ được mua khoản nợ xấu đã hạch toán trong và ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài). Quy định này sẽ làm hạn chế đối tượng được bán nợ cho VAMC. Theo đó, đối tượng được bán nợ cho VAMC chỉ bao gồm các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài).

Do đó, đại diện VAMC đề nghị được mở rộng đối tượng bán nợ cho đơn vị này.

Ngoài các vướng mắc trên, ông Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân cho rằng còn nhiều vướng mắc về các quy định liên quan đến hoạt động và hạn chế bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; về nghiệp vụ đại lý; hoạt động ngân hàng điện tử…); vướng mắc các quy định liên quan tổ chức quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng…

Vì vậy, ông Hùng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng sửa đổi luật sẽ xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số.

Đặc biệt, khi luật được ban hành cần phải tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, tránh trường hợp thiếu văn bản hướng dẫn khiến các tổ chức tín dụng lúng túng./.

Thúy Hà (Vietnam+)