Sau gần 9 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước (2012), bên cạnh những kết quả đạt được, bộ luật này cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến sử dụng nước không tiết kiệm, lãng phí nước, gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng tới động lực phát triển… Thực tế này đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung luật để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong thời gian tới.

Xung quanh nội dung trên, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước về những nội dung đề xuất sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012, qua đó tìm giải pháp để góp phần bảo vệ, gìn giữ “mạch nguồn” sự sống.

- Xin ông cho biết những đánh giá cụ thể sau gần 9 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012? Đâu là những "điểm sáng" của bộ luật quan trọng này, thưa ông?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Đây là bộ luật rất quan trọng. Do vậy, ngay sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 61 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật.

Ở cấp địa phương cũng đã ban hành 315 văn bản quy định chi tiết để triển khai.

Với hệ thống pháp luật về tài nguyên nước cơ bản đồng bộ, công tác điều tra cơ bản, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước cho các ngành, bảo vệ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, phòng chống tác hại do nước gây ra, tài chính về nước (tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước), cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, quan hệ quốc tế về nước đã được triển khai có hiệu quả ở cả Trung ương và địa phương.

[Điều chỉnh vận hành thủy điện Hòa Bình, cấp nước an toàn cho Thủ đô]

Tuy nhiên, một trong những “điểm sáng” tôi thấy tâm đắc nhất chính là việc kể từ khi Luật tài nguyên nước 2012 có hiệu lực đến nay, đã thay đổi cơ bản nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và các cấp Đảng ủy trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước quốc gia.

Đây cũng là bước thay đổi lớn và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển kinh tế-xã hội, của các quốc gia thượng nguồn cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nước dần thực sự được coi nước là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt kinh tế và xã hội.

- Theo ông, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa thế nào đối với “an ninh nguồn nước”?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Trước nhu cầu lớn về khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung như: quy định về vật thể chứa nước, quy hoạch tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia…

Thực tế hiện nay cho thấy vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia chưa được quy định trong Luật, trong khi tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp.…

Hiện nay, Luật cũng chưa có quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước; các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước, dẫn đến việc tính thiếu, thu không đủ dẫn đến việc sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước.

Sua doi Luat Tai nguyen nuoc: Quyet sach lon giu ‘mach nguon’ su song hinh anh 1Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước. (Nguồn ảnh: Khương Trung)

Do vậy, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo “an ninh nguồn nước” cho hiện tại và tương lai.

- Trong số các tồn tại, hạn chế cần sửa đổi nêu trên, theo ông đâu là vấn đề nổi cộm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cần quan tâm sửa đổi nhất?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Mặc dù rất nhiều chính sách của Luật tài nguyên nước 2012 vẫn còn hiệu lực, nhiệm vụ của các bộ cũng đã được quy định phân tách rõ ràng, nhưng thực tế còn có sự mất cân đối về nguồn lực thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng quản lý chung, ban hành các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước; thông tin và đánh giá tài nguyên; chiến lược và quy hoạch tài nguyên nước; kiểm soát ô nhiễm... Tuy nhiên, nguồn lực để triển khai thực hiện khối lượng nhiệm vụ lớn này còn rất thiếu dẫn đến việc triển khai các nhiệm vụ trong thực tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

- Vậy để khắc phục những tồn tại nêu trên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đề xuất cũng như đưa ra các giải pháp “đổi mới” cụ thể thế nào?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Theo tôi, chúng ta cần phải tiếp tục cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia theo nguyên tắc thị trường; tăng cường hợp tác quốc tế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới.

Do vậy, cần sớm khắc phục những vướng mắc của Luật Tài nguyên nước hiện hành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia; bổ sung cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội trong hoạt động quan trắc tài nguyên nước.

Ngoài ra, chúng ta cần phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, thẩm định các dịch vụ công; các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông…

- Như ông chia sẻ, rõ ràng việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay là quyết sách lớn để giữ “mạch nguồn” của sự sống?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Phải khẳng định việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này là để cụ thể hóa các chính sách, thực sự coi nước là tài sản quốc gia, bảo đảm lợi ích của nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu tài nguyên nước.

Đây cũng là giải pháp để nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm sự hài hòa.

Với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính, chúng tôi hy vọng sẽ huy động được các nguồn lực xã hội “chung tay” bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục được các dòng sông “chết,” bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước của các ngành; nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hùng Võ (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/sua-doi-luat-tai-nguyen-nuoc-quyet-sach-lon-giu-mach-nguon-su-song/750878.vnp