Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thích ứng với tình hình mới

14:48 - 17/10/2024

Trong ngày làm việc thứ nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Chiều nay 16/10 tại Hà Nội, 1.052 đại biểu đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp đã tham dự phiên làm việc thứ nhất của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Trong phiên làm việc đầu tiên, đại hội tiến hành hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký; thông qua chương trình và quy chế làm việc của đại hội. Đại hội cũng thảo luận xem xét nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kiểm kiểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024; Tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX; Thông qua sửa đổi bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Trình bày tờ trình sửa đổi bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX thông qua và triển khai thực hiện từ năm 2019. Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trình Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X xem xét, quyết định.

ttxvn_dai_hoi_dai_bieu_toan_quoc_mttq_viet_nam_lan_thu_x_phien_tru_bi_7654428.jpg
Đại hội hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch để điều hành Đại hội và Đoàn Thư ký Đại hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tại đại hội, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được các đại biểu biểu quyết thông qua. Theo đó, Điều lệ mới cơ bản giữ nguyên kết cấu của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành gồm: Phần đầu, 8 chương, 37 Điều. Điều lệ mới đã sửa đổi, bổ sung Phần đầu và 6 Điều trên tổng số 37 Điều đồng thời biên tập, tu chỉnh về kỹ thuật văn bản, một số từ ngữ nhưng không làm thay đổi bản chất tại một số Điều, Khoản.

Điều lệ mới đã sửa đổi về chế độ họp thường kỳ của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm để phù hợp với chế độ thông tin, báo cáo và định hướng, cho ý kiến kịp thời đối với các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung để thể hiện rõ thẩm quyền của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Quy định số 120-QĐ/TW ngày 06/9/2023 của Bộ Chính trị trong việc thành lập Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương.

Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đã được biên tập, tu chỉnh về kỹ thuật văn bản tại một số Điều, Khoản quy định đối với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để thống nhất, đồng bộ với cấp Trung ương; quy định về hình thức Kỷ luật... để phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

dieule.jpeg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày tờ trình sửa đổi bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cũng tại phiên làm việc thứ nhất, trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định trong nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực đã chủ động bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trong hoạt động của các nhiệm kỳ trước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức triển khai, cơ bản hoàn thành chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành tổ chức 10 hội nghị để thảo luận, quyết định và thông qua các chủ trương công tác lớn của hệ thống Mặt trận. Đoàn Chủ tịch đã tổ chức 20 hội nghị để xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, Nghị quyết của Ủy ban, trong đó tiêu biểu phải kể đến việc ra lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; ra lời kêu gọi hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025; kịp thời tổ chức lễ phát động và ra Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra...

Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Ủy ban trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ 6 bài học kinh nghiệm. Theo đó, việc xác định nội dung hoạt động phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội; kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình hành động và kế hoạch hằng năm đối với những việc phát sinh để thích ứng tình hình mới.

ttxvn_dai_hoi_dai_bieu_toan_quoc_mttq_viet_nam_lan_thu_x_phien_tru_bi_7654424.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bày Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng nhiệm vụ xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được quán triệt sâu sắc, triển khai quyết liệt; tổ chức thực hiện sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, giai tầng xã hội, địa phương, vùng miền. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận cũng cần đổi mới hướng mạnh về cơ sở, cán bộ Mặt trận phải thực sự gần dân, sát dân, trọng dân. Việc lắng nghe phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quan trọng, kịp thời có những kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt với những biến động quốc tế và quá trình hội nhập của đất nước trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc./.

Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 được tổ chức từ ngày 16-18/10/2024. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đề ra phương hướng, mục tiêu và các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.