(Ảnh minh họa. Minh Sơn/Vietnam+)
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới chỉ ra sự phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự bùng phát dịch COVID-19 trong đợt thứ tư.
Theo các chuyên gia Chính phủ Việt Nam đã ứng phó nhanh chóng và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong cộng đồng.
Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị: “Nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ có thể xem xét đến một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.”
Phải ổn định môi trường chính sách
Trước đó, với nỗ lực tiếp nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là lần thứ ba Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp cho rằng những hỗ trợ tương tự từ phía Chính phủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng để giúp họ mau chóng phục hồi thời gian tới.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế lần này sẽ lên tới 115.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng đây là việc gia hạn thời gian nộp thuế nên số thu ngân sách của năm 2021 sẽ không giảm, do người nộp thuế phải thực hiện nộp vào ngân sách vào cuối năm. Do đó, nhiều ý kiến đã đề xuất thêm ngoài những quyết sách hỗ trợ trên thì việc ổn định môi trường chính sách đồng thời không tăng thuế/ra những sắc thuế mới cần tiếp tục duy trì.
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Trần Đình Thiên nhấn mạnh ngoài những gói hỗ trợ doanh nghiệp như vừa qua thì việc ổn định môi trường chính sách tại thời điểm này là yêu cầu bắt buộc. Bởi có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tiên liệu và đưa ra các kế hoạch chống trọi, dẫn dắt công ty đi qua giai đoạn khó khăn này.
Các doanh nghiệp còn tồn tại đến giờ này cũng đã thấm mệt. (Ảnh minh họa/TTXVN)
“Không tăng thuế, không ban hành thêm những sắc thuế mới là rất quan trọng để không làm tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp còn tồn tại đến giờ này cũng đã thấm mệt, vì thế cần khoan sức doanh nghiệp, khoan sức dân,” ông Thiên nói.
Về phía các doanh nghiệp FDI, ông Thomas Mc. Clelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khẳng định các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong thời gian qua là hết sức tích cực. Bên cạnh đó, ông này cũng kiến nghị Chính phủ duy trì các chính sách hỗ trợ ít nhất đến hết 2021.
COVID-19 khiến doanh nghiệp lao đao thế nào?
Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây đã chỉ ra một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng đặc biệt lớn. Với doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực may mặc ảnh hưởng đến 97%, thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%). Với doanh nghiệp FDI, các ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao, bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Báo cáo cho biết, trên thực tế COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trên nhiều phương diện.
[Gần 224.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hỗ trợ sau dịch COVID-19]
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay đa số doanh nghiệp cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là dòng tiền và vấn đề nhân công, người lao động, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giảm đơn hàng-giảm sản lượng hay trì hoãn-giãn tiến độ/huỷ dự án đầu tư.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp đều phát sinh thêm chi phí phòng ngừa COVID-19. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc hoặc ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Do đó, không ít doanh nghiệp chia sẻ bị gián đoạn/ngưng trệ hoạt động thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch bệnh thậm chí đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột…
Ưu tiên ngăn chặn dịch bệnh
Ở đợt bùng phát dịch bệnh lần này, mức độ lây lan diễn ra rất nhanh và ảnh hưởng đến nhiều vùng, địa phương trong cả nước. Theo đó, các cơ quan chức năng đã ngay lập tức tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại và phòng ngừa về y tế công cộng. Các biện pháp truy vết, xét nghiệm và cách ly tiếp tục được thực hiện.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng các hoạt động kinh tế trong nước theo đó sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, vận tải và bán lẻ. Điều này tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó nhanh chóng của Chính phủ.
“Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng,” nhóm chuyên gia này dự báo.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp trên cả nước, các hiệp hội ngành nghề cũng lên tiếng đề xuất kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng.
Việc một doanh nghiệp bị dãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày sẽ khiến kế hoạch sản xuất của năm tan vỡ. (Ảnh minh họa/Vietnam+)
Đơn cử, Hiệp hội Dệt-May Việt Nam (VITAS) đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vaccine. Bởi, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký kết đơn hàng đến hết năm, nếu không sản xuất và giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt hoặc hủy. Và, mức độ thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD thêm vào đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Cụ thể, công văn nêu rõ: “Việc một doanh nghiệp bị dãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày sẽ khiến kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn và doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập.”
Bên cạnh đó, ý kiến chung của khối doanh nghiệp từ khảo sát của VCCI đồng tình với việc kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh là quan trọng nhất. Nhiều doanh nghiệp cho biết tin tưởng vào các biện pháp hiện nay của các cơ quan Nhà nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh ở Việt Nam, coi đó là những việc cần ưu tiên trước khi nghĩ đến các giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Về chính sách vĩ mô, ông Tuấn chia sẻ hầu hết các doanh nghiệp cho rằng các giải pháp được đề xuất đã được các cơ quan Nhà nước đề cập tới trong các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Và, mối quan tâm của các doanh nghiệp lớn nhất vẫn là khía cạnh về thuế, phí và tiếp cận tín dụng.
“Mặt khác, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh thông qua rà soát quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các gánh nặng tuân thủ quy định pháp luật. Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp của Chính phủ cần hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp nhưng những triển khai hướng dẫn thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định tại một số cơ quan lại chậm trễ. Đây là những vấn đề cần giải quyết,” ông Tuấn nói./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/su-phuc-hoi-kinh-te-co-the-bi-anh-huong-tieu-cuc-boi-covid19/713294.vnp