Vượt lên cái lạnh "cắt da cắt thịt," những khó khăn, hiểm nguy rình rập, trải qua 10 ngày thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh quốc tế - góp sức vào công cuộc giải cứu các nạn nhân trong thảm họa động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Là thành viên trẻ tuổi nhất trong 24 cán bộ, chiến sỹ lên đường thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, Thượng úy Lê Quang Đạo (sinh năm 1994), hiện đang công tác Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 4 (thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công An thành phố Hà Nội) đã có những chia sẻ về hành trình khó quên trong sự nghiệp của bản thân.
Tự hào khi nhận "nhiệm vụ đặc biệt"
"Ngay khi biết mình có tên trong danh sách 24 chiến sỹ của Đoàn công tác tham gia nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, cảm xúc tự hào dâng tràn trong tôi bởi đây là sự tin tưởng đặc biệt của các lãnh đạo Bộ Công an dành cho những người lính," Thượng úy Lê Quang Đạo bồi hồi chia sẻ về khoảnh khắc nhận quyết định thực hiện nhiệm vụ đặc biệt vào chiều ngày 9/2.
Đạo bảo rằng tuy là lần đầu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại nước ngoài nhưng với kinh nghiệm gần 10 năm trui rèn tại Trung tâm huấn luyện, trải qua nhiều chuyến công tác, tập huấn tại nước ngoài nên anh toàn tin tưởng vào khả năng và nghiệp vụ của bản thân.
[Đại tá Nguyễn Minh Khương: Kinh nghiệm vàng khi cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ]
"Ngay khi biết tôi có tên trong danh sách đặc biệt, gia đình cũng tự hào nhưng không tránh khỏi những giây phút lo lắng, bởi mọi người đều biết sẽ vào tâm động đất - nơi có những dư chấn nguy hiểm và đối mặt với thời tiết lạnh khắc nghiệt cũng như điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đã thực hiện 'công tác tư tưởng' cũng như hướng dẫn cách giữ liên lạc trong những ngày thực hiện nhiệm vụ để người nhà yên tâm," Đạo chia sẻ.
Trước khi lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ, Trưởng Đoàn công tác - Đại tá Nguyễn Minh Khương và 24 chiến sỹ đã giả định về tình huống xấu nhất đó là sập đổ tòa nhà tại khu vực thành phố Adiyaman và đưa ra các phương án xử lý.
"Khi sang đến nước bạn, tại hiện trường xảy ra tình huống đúng như trường hợp giả định nên đoàn đã nhanh chóng khắc phục sự cố. Nhờ có sự chuẩn bị, lên phương án từ trước nên các chiến sỹ không hề bỡ ngỡ mà nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ," anh Đạo chia sẻ về quá trình chuẩn bị của Đoàn công tác.
Đồng lòng vượt qua trở ngại
"Ngày đầu tiên đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn di chuyển hết 10 tiếng từ sân bay đến điểm tập kết bởi sự cố tắc đường do tuyết rơi dày vào buổi tối và nhiều đoàn người di tản về các khu vực an toàn. Đến vị trí đóng quân vào lúc 2 giờ sáng, cả đội thức trắng để dựng lều bạt, hạ phương tiện chuẩn bị cho công tác cứu hộ vào hôm sau. Trong hai ngày đầu tiên, toàn đoàn gần như không ngủ nghỉ, làm việc đến 3 giờ sáng," anh Đạo cho hay.
Kết thúc một ngày làm nhiệm vụ (thường kéo dài từ 7 giờ đến 23 giờ), Cơ quan điều phối quốc gia AFAD của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thông báo về địa điểm cứu hộ tiếp theo. Ngay trong đêm, 24 chiến sỹ lên kế hoạch, phương án cứu hộ cho địa điểm vào ngày hôm sau.
Dù đã lường trước được sự khắc nghiệt của điều kiện thời tiết tại nước bạn, tuy nhiên Thượng úy Lê Quang Đạo và các đồng đội vẫn gặp những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đây.
"Vào buổi đêm, nhiệt độ thấp nhất tại khu vực Đoàn đóng quân rơi vào khoảng âm 6 độ. Dù đã chuẩn bị trước giường, chiếu, chăn màn, lều bạt... tuy nhiên trong bốn ngày đầu tiên, anh em chiến sỹ gần như không thể nghỉ ngơi bởi cái lạnh cắt da thịt, buốt tận xương tủy. Ngoài ra, tại khu vực hạ trại cũng không có nước, điện bị cắt hoàn toàn...," anh Đạo kể lại.
Khó khăn là vậy nhưng các chiến sỹ trong đoàn luôn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Trưởng đoàn Nguyễn Minh Khương và Phó đoàn Nguyễn Chí Thành như những người anh của cả đội, nhắc nhở các chiến sỹ luôn tuân theo những kế hoạch của chỉ huy, song cũng phải bảo đảm an toàn cho bản thân trong quá trình cứu hộ. Dù đến từ nhiều đơn vị nhưng 24 chiến sỹ trong đoàn luôn đồng lòng, thấu hiểu và phối hợp ăn ý với nhau. Với 5 anh em từ cơ quan Công an Thành phố Hồ Chí Minh 'chịu lạnh kém,' đội cũng hỗ trợ tối đa chăn, màn để các chiến sỹ bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ," anh Đạo nói.
Bên cạnh thời tiết, bất đồng ngôn ngữ cũng là một rào cản khi các đội cứu hộ quốc tế phối hợp với nhau. "Trong hành trình này, chúng tôi phối hợp với nhiều đoàn quốc tế từ Mỹ, Ukraine, Pakistan, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Để tiến độ nhiệm vụ bảo đảm được hiệu quả, chiến sỹ các nước đã thống nhất dùng phương pháp ký hiệu, ra dấu bằng ngôn ngữ hình thể để tiết kiệm thời gian làm nhiệm vụ," anh Đạo chia sẻ.
Những cái nắm tay tri ân xua tan lạnh giá
Với anh Đạo và các chiến sỹ trong đoàn công tác, cảm xúc khi phát hiện dấu hiệu sự sống trong các đống đổ nát; giải cứu thành công các nạn nhân bị vùi lấp... thật thiêng liêng và khó diễn tả thành lời.
"Khoảnh khắc đáng nhớ nhất với tôi trong 10 ngày cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ là khi cả đội đưa ra ngoài một thiếu niên sống sót bị vùi lấp trong đống đổ nát trong ngày làm việc đầu tiên. Chứng kiến niềm vui của người thân các nạn nhân, chúng tôi cảm thấy xúc động và như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục nhiệm vụ cao cả này."
Bên cạnh công tác cứu hộ, đoàn đã trao tặng các thiết bị y tế và lương thực, thực phẩm cho nhân dân và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no - đó chính xác là tình cảnh của nhân dân thành phố Adiyaman. Không còn nhà ở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên từng cái nắm tay, từng cái ôm của người già, trẻ nhỏ tại đây trao cho chúng tôi mỗi khi nhận được gói mỳ tôm, túi lương khô... là những tình cảm chân thành và ấm áp nhất," anh Đạo xúc động kể lại.
Đối với chính quyền địa phương, anh Đạo cũng cho biết toàn đoàn đã nhận được những hỗ trợ tốt nhất. "Trong bốn ngày đầu các chiến sỹ không thể ngủ do thời tiết giá lạnh, cơ quan điều phối đã hỗ trợ cho đoàn máy sưởi giúp chúng tôi bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ. Khi đoàn đề xuất các phương án cứu hộ, chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận và tạo điều kiện tối đa của đoàn Thổ Nhĩ Kỳ."
Không ngại khó khăn gian khổ, làm việc hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, anh Đạo và các cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn công tác đều cảm thấy tự hào sau chuyến công tác đặc biệt ý nghĩa này: "Được đoàn tụ với gia đình sau chuyến công tác là một niềm hạnh phúc nhỏ và còn một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao không gì so sánh được - đó là niềm tự hào của một người lính Việt Nam được đóng góp một phần sức lực cho công tác cứu hộ nhân đạo quốc tế," anh Đạo chia sẻ./.