Sử dụng công nghệ AI để “lột đồ” người khác có thể bị xử lý hình sự
08:27 - 23/08/2023
Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng người dùng mạng xã hội bị các đối tượng ăn cắp hình ảnh chân dung rồi cắt ghép, hoán đổi với mục đích xấu.
Các đối tượng này sử dụng công nghệ AI để nhanh chóng hoán đổi, ghép khuôn mặt người này vào cơ thể người khác một cách tự nhiên và trông như thật, thay vì đòi hỏi kỹ năng và thời gian để chỉnh sửa ảnh và video như trước.
Thực tế đã có hàng loạt video khiêu dâm mạo danh người nổi tiếng, diễn viên hay những người có tiếng nói trong xã hội xuất hiện trên mạng với mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí là tống tiền những người này. Việc “lột đồ” người khác để đăng lên mạng xã hội đã gây ra nhiều hệ lụy xấu đối với người dùng mạng xã hội trong thời gian vừa qua. Vậy pháp luật đã có quy định như thế nào đối với hành vi này?
Hành vi cắt ghép hình ảnh, quay, dựng video nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc và mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra mà đối tượng thực hiện hành vi này bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm dân sự, nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Đối với những hành vi chế ảnh, ghép ảnh, dựng video của người khác thì hình thức xử lý được áp dụng nhiều nhất là xử phạt hành chính. Cụ thể, theo điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi này như sau:
"Điều 19. Vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- c) Sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân."
Theo đó, đối với hành vi ghép ảnh, sửa ảnh, chế ảnh làm sai lệch nội dung bức ảnh nhằm mục đích xâm hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt tiền và mức xử phạt tiền cụ thể tùy thuộc vào mức độ vi phạm đối với cá nhân phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng, đối với tổ chức phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng.
Xử lý trách nhiệm dân sự
Theo Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo đó, trong mọi trường hợp việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự.
Người bị hại có quyền yêu cầu bù đắp tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại, mức yêu cầu này do các bên thỏa thuận nhưng không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
"1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- c) Thiệt hại khác do luật quy định
- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Xử lý trách nhiệm hình sự
Trong trường hợp, việc dựng video, ghép ảnh chế người khác đăng lên facebook có mức độ, tính chất vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thuộc một trong những tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì cá nhân đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể chịu hình phạt tù.
Cụ thể là, Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;...
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, nếu đối tượng tung những hình ảnh, video nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội thì hành vi này là "phát tán văn hóa phẩm đồi trụy", có thể bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Theo đó, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi này.
Bên cạnh đó, việc đưa ảnh nhạy cảm của một cá nhân lên mạng còn có thể bị truy cứu hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.