Sự cố môi trường trên biển: Nhiều nguy cơ trong thời điểm COVID-19
12:01 - 26/08/2021
Theo nhận định của giới chuyên gia, môi trường biển đang đối mặt với nhiều nguy cơ mới nảy sinh trong thời điểm dịch, nhất là sự cố tràn dâu, do đó cần chủ động hơn từ “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng.”
Dưới tác động của đại dịch COVID-19 và việc các địa phương thực hiện nghiêm các Chỉ thị về giãn cách xã hội, một số khu vực biển đã có sự “chuyển biến xanh” như sự xuất hiện của cá heo hồng ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Tuy vậy, môi trường biển vẫn luôn đối mặt với nhiều vấn nguy cơ, sự cố môi trường mới nảy sinh từ chính đại dịch này, đặc biệt là nguy cơ tràn dầu…
Nhiều rủi ro
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Duy trì hoạt động bảo vệ môi trường trong bối cảnh đại dịch COVID-19” tổ chức trong ngày 25/8, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Ban thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động từ kinh tế đến-xã hội. Và, các vấn đề môi trường vẫn luôn gắn liền và song hành với đời sống và phát triển.
Theo ông Hồi, lâu nay, lực lượng chuyên môn vẫn phải xử lý các sự cố môi trường khi nó xảy ra và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ở trên rừng chặt một cây có thể ai cũng biết nhưng ở dưới biển, tài nguyên bị khai thác, bị ô nhiễm hủy hoại thế nào thì chỉ có những nhà khoa học mới rõ.
“Chính vì thế, những nhà khoa học biển là ‘tai mắt,’ là những người cần cảnh báo đầu tiên cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý về các vấn đề môi trường biển để từ đó có giải pháp và kịp thời có hướng giải quyết,” ông Hồi nói.
Ông Hồi cho rằng sở dĩ môi trường biển phải đối mặt với nhiều nguy cơ, là bởi biển có yếu tố xuyên biên giới; bị tác động của biến đổi khí hậu cùng với biến đổi đại đương đã, đang và sẽ tác động mạnh và lâu dài đến biển, đảo và vùng ven biển.
Các yêu tố trên có thể khiến nước biển ấm lên, axit hóa đại dương, thiếu hụt ôxy trong nước biển, suy thoái các hệ sinh thái, gia tăng xói lở bờ biển...
Ngoài ra, nhiều bãi rác thải nhựa lớn tồn lưu ở các vùng ven biển, đảo và đáy biển; các nguồn thải từ các sông ở đất liền đổ ra biển, đặc biệt là chất thải và chất thải nhận chìm cũng đang vượt quá, khiến đại dương bị đe dọa, “đầu độc.” Thực trạng này sẽ tác động rất lớn tới môi trường biển, dẫn tới sự suy giảm của các nguồn đàn cũng như trữ lượng cá, các sinh vật biển, nhất là san hô.
[Lần đầu tiên công bố hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia]
Có chung quan điểm, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho hay đại dịch COVID-19 đã khiến việc kiểm tra, rà soát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường không thể triển khai. Công tác thẩm định, phê duyệt các kế hoạch ứng phó sự cố cũng như việc triển khai các kế hoạch ứng phó sự cố; tập huấn, diễn tập ứng phó sự phố phải dừng lại do dịch bệnh.
Dẫn lại thực tế từ giữa năm 2020, ông Sơn cho biết ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm cho giá xăng, dầu giảm sâu, dẫn đến tình trạng người dân tận dụng tất cả các vật dụng (kể cả xong, nồi, chậu…) có thể chứa được dầu ở trên biển. Đặc biệt ở những nơi neo đậu đã biến thành kho chứa dầu di động, tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã rà soát, kiểm tra, cảnh báo tất cả nguy cơ đối với các cảng có lực lượng của Trung tâm để phòng ngừa, tránh xảy ra sự cố tràn dầu trên biển. Đội ngũ của Trung tâm cũng phải đối mặt nguy cơ mắc COVID-19 cao bởi họ vẫn tiếp xúc với các tàu cảng nước ngoài,” ông Sơn chia sẻ.
Chủ động hơn từ “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”
Trước những nguy cơ nêu trên, ông Phạm Văn Sơn cho biết để kịp thời ứng phó xử lý sự cố ở trên cả nước, hiện nay, ngoài “đường dây nóng thông báo khẩn cấp sự cố” 1800 6558, trung tâm cũng đang xây dựng ứng dụng công nghệ thông báo sự cố trên thiết bị điện thoại.
Từ đó, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam sẽ nhanh chóng xác định được tọa độ vị trí cụ thể, qua đó kịp thời “điều” lực lượng đến hiện trường để ứng phó, nhất là sự cố xảy ra ở trên sông, trên biển, khu công nghiệp...
Góp thêm ý kiến, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng để tránh bị chia cắt nguồn lực trong bảo vệ môi trường biển, việc kết nối thông tin với các nhà khoa học biển để có những cảnh báo kịp thời là điều hết sức cần thiết.
Đối với việc xử lý các sự cố tràn dầu trên biển, ông Hồi khuyến nghị cần tăng cường thêm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) để kịp thời giải quyết các sự cố mới phát sinh.
Cùng với đó, Nhà nước cần phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác bảo vệ môi trường biển, ven biển, trên đảo; tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ cao cũng như triển khai áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển, kiểm soát chặt các nguồn thải từ các cửa sông, từ đất liền…
“Chắc chắn dịch COVID-19 sẽ gây ra những nguy cơ khó dự báo, khiến kinh tế và đời sống người dân khó khăn hơn. Tuy nhiên, dịch cũng sẽ kéo chậm lại cuộc sống của chúng ta, buộc chúng ta sống chậm lại. Do đó, tôi nghĩ chúng ta không chỉ nghĩ tới ‘mục tiêu kép’ mà còn phải duy trì hoạt bảo động bảo vệ môi trường và mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc phân loại rác,” ông Hồi chia sẻ thêm./.