Sáng 10/11, tại khu vực vườn hoa Đền Bà Kiệu, lòng đường phố Lê Thạch, phố Đinh Tiên Hoàng, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô.”
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (1954-2024).
Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tổ chức thu hút gần 3.000 người, đại diện học sinh, giáo viên các trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, một số trường quốc tế, với sự tham gia của Đoàn nghi lễ Quân đội-Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn nghi lễ Công an nhân dân, học sinh các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia, học sinh các nước trên thế giới đang học tập tại Hà Nội, các nghệ sỹ, diễn viên của Thủ đô...
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết đây là hoạt động hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo của thành phố và thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Hoạt động cũng nhằm khơi dậy niềm tự hào, truyền cảm hứng, tạo động lực thể hiện lòng yêu nước, yêu Thủ đô cho các thế hệ học sinh Hà Nội; cổ vũ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp giáo dục-đào tạo, xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết ông rất vui khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường, từ bậc mầm non đến Trung học phổ thông trong năm học này. Đây thực sự là một bước tiến quan trọng, đầy hứng khởi nhằm tạo ra môi trường học tập tích cực, toàn diện hơn cho học sinh Hà Nội.
Sáng kiến này hoàn toàn phù hợp với Khung toàn cầu về Trường học hạnh phúc của UNESCO và sự hợp tác của UNESCO với Việt Nam trong việc thúc đẩy giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng, nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4.
"Tôi rất xúc động khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm đến việc trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố Học tập toàn cầu - một mạng lưới năng động, mang tính định hướng chính sách, được thành lập để cung cấp nguồn cảm hứng, bí quyết và các mô hình thực tiễn tốt nhất cho các thành phố học tập. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Hà Nội để hỗ trợ quá trình gia nhập này," ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ.
Những điệu kèn, điệu múa, nhịp trống cùng những lời ca, tiếng hát... của học sinh Thủ đô và các nghệ sỹ chuyên nghiệp đã mang đến chương trình những tiết mục hấp dẫn, được dàn dựng công phu với sắc màu đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao. Mỗi tiết mục biểu diễn đều gửi gắm tình yêu, lòng tự hào của người dân và học sinh Thủ đô về quê hương đất nước tươi đẹp.
Chương trình cũng là dịp để học sinh Hà Nội được giao lưu, học hỏi, giúp các em phát triển toàn diện khả năng, đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh Thủ đô.
Màn diễu hành “Hành khúc học sinh Thủ đô” là dịp tái hiện lại chặng đường phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, đồng thời tôn vinh những nỗ lực, cống hiến của các thế hệ nhà giáo, học sinh trong 70 năm qua./.
Nguồn: Sôi động, tự hào “Hành khúc học sinh Thủ đô” | Vietnam+ (VietnamPlus)