SIPRI: Chau Au tang manh nhap khau vu khi trong nam 2022 hinh anh 1Xe tăng Leopard của Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 13/3 cho biết năm 2022, nhập khẩu vũ khí vào châu Âu tăng 93% so với năm 2021, phần lớn do nhập khẩu vào Ukraine.

Theo báo cáo, mức tăng trên một phần do các quốc gia trong khu vực tăng chi tiêu quân sự. SIPRI dự báo nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng.

Số liệu của SIPRI cho thấy trong năm 2022, nhập khẩu vũ khí của Ukraine, bao gồm cả vũ khí viện trợ, tăng hơn 60 lần, chủ yếu là vũ khí trong kho dự trữ của các nước.

Riêng Ukraine chiếm 31% lượng vũ khí nhập khẩu ở châu Âu và 8% tổng lượng vũ khí được bán ra trên toàn thế giới.

Cũng theo SIPRI, tổng kim ngạch buôn bán vũ khí toàn cầu hiện ở mức trên 100 tỷ USD/năm. Năm ngoái, SIPRI cho biết tổng chi tiêu cho quân sự đã vượt 2.000 tỷ USD lần đầu tiên.

Tính trong 5 năm (2018-2022), nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu tăng 47% so với 5 năm trước đó, trong khi xuất khẩu vũ khí toàn cầu giảm 5%.

 

Khác với châu Âu, nhập khẩu vũ khí của các châu lục khác đều giảm trong 5 năm qua. Giảm mạnh nhất là châu Phi, với mức giảm 40%. Khu vực Bắc và Nam Mỹ giảm 20%, châu Á giảm 7% và Trung Đông giảm 9%.

[Căng thẳng ở Ukraine: SIPRI cảnh báo vòng xoáy tái vũ trang]

Một thay đổi lớn khác là Trung Đông trở thành khu vực dẫn đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chiếm 32% tổng giá trị.

Trong khi đó, khu vực châu Á-châu Đại Dương vốn ở vị trí dẫn đầu nhiều năm nay đã lùi xuống vị trí thứ 2 với 30%, tiếp theo là châu Âu với 27%.

Ngoài ra, số liệu của SIPRI cho thấy 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua vẫn là Mỹ với 40%, Nga 16%, Pháp 11%, Trung Quốc 5%, và Đức 4%. Các nước này chiếm 3/4 tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

Đáng lưu ý, năm 2022, SIPRI cảnh báo rằng kho vũ khí hạt nhân thế giới có thể gia tăng trong những năm tới./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)