SEA Games 31: Đấu kiếm Việt Nam nỗ lực vượt khó để tìm 'vàng'

16:50 - 16/04/2022

Tại SEA Games lần này, thầy trò Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn đặt quyết tâm cao nhất trong tập luyện và thi đấu để hướng tới mục tiêu giành được 3 huy chương Vàng.
 

SEA Games 31: Dau kiem Viet Nam no luc vuot kho de tim 'vang' hinh anh 1Các vận động viên đấu kiếm. (Nguồn: baovanhoa.vn)

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, đấu kiếm Việt Nam luôn giành được thứ hạng cao trong khu vực.

Nhưng gần đây, do nhiều tác động từ hiện thực khách quan, bộ môn này đã và đang gặp phải một số khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra trên sân nhà lần này, thầy trò Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn đặt quyết tâm cao nhất trong tập luyện và thi đấu để hướng tới mục tiêu giành được 3 huy chương Vàng.

Khó khăn từ nhiều phía

Theo Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Đấu kiếm Quốc gia Phạm Anh Tuấn, trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thể thao nói chung và đấu kiếm nói riêng đều phải chịu những tác động không mong muốn.

Thầy và trò bộ môn đấu kiếm đều nỗ lực giữ và đảm bảo được thể trạng tốt nhất, không bị cản trở bởi dịch bệnh.

 

Trong suốt năm 2019-2021, toàn bộ đội tuyển, các lứa vận động viên không có ai mắc COVID-19.

Đó là một quá trình thực sự rất vất vả, có những giai đoạn gần như “đóng cửa,” thầy trò tập luyện với nhau ở trong một môi trường gần như khép kín hoàn toàn.

[Đấu kiếm Việt Nam giành chiến thắng đầu tiên tại Olympic Rio]

Cũng do dịch bệnh, kế hoạch tập huấn, thi đấu ở nước ngoài không thể diễn như dự kiến.

Đây thực sự là khó khăn rất lớn, bởi muốn phát triển, các vận động viên phải được thể hiện, đánh giá thông qua thi đấu dù vượt qua bản thân mình là tiêu chí quan trọng nhất.

Thế nhưng, suốt hơn một năm qua, Đội tuyển Đấu kiếm gần như không thể thi đấu một giải nào vì những yếu tố khách quan như vậy...

Cũng theo Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn, ngoài trở ngại khó đánh giá được đối thủ vì dịch bệnh, thầy trò Đội tuyển Đấu kiếm cũng phải đối mặt với việc khó có thêm trang thiết bị. Hầu hết trang bị của vận động viên như giáp, mũ, kiếm... đều khá cũ, chỉ có một số ít là được trang bị mới.

Chia sẻ về khó khăn này, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam cho biết Nhà nước liên tục cấp kinh phí theo kế hoạch hàng năm để mua sắm dụng cụ cho các môn thể thao nói chung và đấu kiếm nói riêng. Đấu kiếm là một môn thể thao đặc thù, chưa phát triển rộng rãi ở Việt Nam mà chỉ tập trung ở một vài đơn vị. Số lượng người tập luyện không nhiều nên nhu cầu trang bị trang thiết bị không lớn.

Do đó, các đơn vị kinh doanh trong nước rất hạn chế nhập khẩu trang thiết bị cho bộ môn này, nên rất khó các vận động viên đấu kiếm để mua được “đồ nghề” như những bộ môn thể thao phổ thông khác.

Nỗ lực vượt khó để hướng tới “vàng”

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây, nhưng thầy trò Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn vẫn nỗ lực từng ngày, hướng đến mục tiêu giành huy chương Vàng tại SEA Games 31 và những giải đấu lớn khác.

Thích ứng nhanh nhạy với tác động của dịch COVID-19, Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam vẫn luôn tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn cho các thành viên.

Do không có đối thủ để giao lưu, cọ xát và tập huấn, thi đấu nước ngoài, Ban lãnh đạo đội đã đề ra nhiều phương án như tăng cường thi đấu nội bộ, mời một số cựu vận động viên để cùng tập luyện.

Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn chia sẻ: "Thậm chí chính chúng tôi - các thầy cũng mặc giáp lên sàn để tập, thi đấu cùng các em, vừa để tăng thêm đối thủ, vừa trực tiếp truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng trong những tình huống cụ thể."

Điều này góp phần tăng thêm sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa thầy và trò. Đặc thù của huấn luyện viên thể thao là phải có giáo án riêng cho từng vận động viên để phù hợp với đặc thù tâm lý, thể hình, thể lực, trường phái và thói quen của các em.

Sự gắn kết giữa thầy và trò sẽ là “cầu nối”, giúp huấn luyện viên hiểu được vận động viên hơn, từ đó đưa ra những giáo án phù hợp, tốt nhất.

Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Đội tuyển Đấu kiếm đang có 24 vận động viên xuất sắc nhất của các đơn vị để sắp xếp thi đấu ở 12 nội dung.

Toàn bộ vận động viên đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 từ sớm, nên giai đoạn sau này (năm 2022), khi một số vận động viên mắc COVID-19 cũng chỉ rất nhẹ, chưa có biểu hiện bị ảnh hưởng tới thể trạng, sức khỏe.

Đến thời điểm hiện tại, tất cả huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển, tuyển trẻ đều có mặt tập luyện đầy đủ và hoàn thành tốt khối lượng giáo án.

Các em tập luyện xuyên suốt, duy trì được cả kỹ-chiến thuật và thể lực sung mãn, đó là bước đệm rất tốt để đưa giáo án chuyên môn cho các em.

Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn hy vọng rằng với quá trình tập luyện xuyên suốt đó, các em có đủ về thể lực, kỹ, chiến thuật, tâm lý để sẵn sàng bước vào SEA Games 31 với tâm thế tốt nhất.

Sau 10 năm phát triển, năm 2011, đấu kiếm Việt Nam lần đầu tiên bước lên vị trí cao nhất toàn đoàn và từ đó đến nay luôn luôn nằm trong top đầu các kỳ SEA Games.

Ở SEA Games 31, đấu kiếm Việt Nam có thuận lợi rất lớn khi là nước chủ nhà, có những nội dung thế mạnh như trong mấy kỳ SEA Games gần đây.

Nội dung nam kiếm chém, nam kiếm 3 cạnh có thể giành được nhiều huy chương, được xem là nội dung thế mạnh của Việt Nam.

SEA Games 31: Dau kiem Viet Nam no luc vuot kho de tim 'vang' hinh anh 2Bên trong Cung Điền kinh Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) với sức chứa 3000 chỗ ngồi, là nơi tổ chức bộ môn Đấu kiếm (13-18/5) và lễ bế mạc của SEA Games 31. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong đoàn quân mang tới SEA Games 31, Huấn luyện viên trưởng của Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam dành niềm tin cho những vận động viên kỳ cựu như Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi, Tô Đức Anh...

Ông đặt kỳ vọng vào lứa vận động viên trẻ như Nguyễn Thị Kiều Oanh và Phạm Đức Trọng.

Sau buổi tập đầy căng thẳng, Nguyễn Thị Kiều Oanh và Phạm Đức Trọng đều bày tỏ quyết tâm rất lớn khi đứng trước cơ hội được tham dự SEA Games 31.

Cô em út của đấu kiếm Việt Nam Nguyễn Thị Kiều Oanh bày tỏ: "Em luôn cố gắng tập luyện từng ngày để có được thể lực, tâm thế nhằm chuẩn bị cho những giải đấu lớn sắp tới. Em và đồng đội luôn cố gắng hết sức để đạt được thành tích tốt nhất, vượt qua được các đối thủ và vượt qua chính mình."

“Kiếm thủ” trẻ Phạm Đức Trọng chia sẻ: "Em luôn tập luyện với 200% sức để cố gắng từng ngày, từng ngày hướng tới những giải đấu sắp tới. Mục tiêu cao nhất của em là được thi đấu cùng các anh, chị để trau dồi kiến thức. SEA Game 31 cũng là kỳ đại hội đầu tiên em tham gia, em mong muốn sẽ đạt được thành tích tốt nhất."

Mặc dù gặp phải khá nhiều khó khăn nhưng Đội tuyển Đấu kiếm nước nhà vẫn dốc sức tập luyện nhằm hướng tới mục tiêu mang về ít nhất 3 huy chương Vàng tại SEA Games 31 và vươn tới đích đến xa hơn./.

Nam Thái (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/sea-games-31-dau-kiem-viet-nam-no-luc-vuot-kho-de-tim-vang/784062.vnp