Sau các vụ cháy kinh hoàng: Bố trí phương tiện cứu hỏa, tập huấn cho người dân

06:44 - 20/06/2024

Sau các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra ở Hà Nội, đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải đầu tư, bố trí trang thiết bị, phương tiên cứu hỏa tại các khu phố để người dân có thể tham gia chữa cháy kịp thời.

Diễn tập chữa cháy tại một chung cư ở Khu đô thị mới Kim Văn-Kim Lũ, quận Hoàng Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Diễn tập chữa cháy tại một chung cư ở Khu đô thị mới Kim Văn-Kim Lũ, quận Hoàng Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cho rằng công tác phòng cháy chữa cháy cũng như tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm mỗi gia đình, người dân, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nếu chỉ trông chờ vào lực lượng cứu hỏa thì không đủ mà cần phải có sự giúp sức của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên để người dân tham gia chữa cháy hiệu quả, theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, luật cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm khi tham gia phòng cháy cháy, chữa cháy; đặc biệt là cần phải đầu tư, bố trí trang bị tại các khu phố như các thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu hộ.

Quy định về phòng cháy còn chung chung?

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ chiều 19/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Lý do, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính là bởi hiện nay ở Việt Nam mới xây dựng các quy định về biện pháp chữa cháy, còn các quy định về phòng cháy như thế nào cho hiệu quả vẫn còn đang chung chung.

Dẫn chứng về các vụ “thảm họa cháy” khiến 56 người chết trong năm 2023 tại quận Thanh Xuân, hay vụ hỏa hoạn khiến 14 người chết trong tháng 5/2024 tại Cầu Giấy và mới đây là vụ cháy khiến 4 người thiệt mạng xảy ra vào chiều 16/6/2024 tại quận Hoàng Mai, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh việc phòng cháy lúc nào cũng quan trọng hơn chữa cháy.

 

Đại biểu cũng cho biết tại Điều 8 dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; vận động, giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ giải quyết hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn.

Tuy nhiên, công tác phòng cháy chữa cháy cũng như tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm mỗi người dân, mỗi gia đình chứ không riêng gì mặt trận tổ quốc.

Thực tế các vụ cháy xảy ra cho thấy không nên chỉ trông chờ vào lực lượng cứu hỏa, mà cần sự giúp sức của các tầng lớp nhân dân. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, chung tay trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mới hiệu quả.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh phần lớn các vụ cháy ở Hà Nội - khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng tại chỗ còn thiếu chuyên nghiệp. Mặc dù gần đây, khi xảy ra các hỏa hoạn, lực lượng nhân dân tham gia rất tích cực như người dân nhảy lên nóc nhà, đập tường cứu người gặp nạn nhưng không có phương tiện, không có máy cắt để cứu nạn nhân bị kẹt bên trong.

Ngoài ra, tại nhiều thành phố lớn, các họng cứu hỏa thường bị người dân rào chắn, chiếm dụng, rất nguy hiểm nếu như có cháy nổ xảy ra. Lực lượng chức năng phải cố gắng bảo vệ hành lang an toàn khi lấy nước, không thể chờ tới tai nạn mới thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải đầu tư nguồn lực tại các khu phố, trang bị những phương tiện cứu hộ, kể cả ở mức tối giản nhất để người dân có thể tham gia. Khâu phòng cháy, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng rất quan trọng.

phong chay.webp
Hướng dẫn sử dụng bình cứu hỏa mini dập tắt đám cháy tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Do đó, lực lượng chức năng cần tăng cường tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền tới người dân bằng hình thức cẩm nang,” đại biểu nhấn mạnh.

Cần quy định cụ thể, rõ trách nhiệm

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) cũng nhấn mạnh dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn cứu hộ (mà lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đang được giao đảm nhiệm) nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.

Tuy vậy, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng lưu ý tại điều 3 của dự thảo luật về giải thích từ ngữ, cơ quan soạn thảo cần đưa ra khái niệm đúng và chính xác hơn về cứu nạn cứu hộ bởi trong thực tế có nhiều sự cố tai nạn, cháy nổ bất ngờ xảy ra, để từ đó có các biện pháp phòng cháy chữa cháy hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét về quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới tại điều 3 (trong đó yêu cầu khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy chữa cháy phù hợp với từng loại quy hoạch).

Theo đó ông Nghiêm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ thực tế hiện nay để áp dụng quy định này cho phù hợp với yêu cầu của công tác phòng cháy chữa cháy.

Đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cũng nêu quan điểm việc bố trí nhiệm vụ của các lực lượng cứu nạn cứu hộ của các lực lượng nói chung, lực lượng phòng cháy chữa cháy của công an nói riêng cần có quy định cụ thể hơn để rõ trách nhiệm khi tham gia phòng cháy chữa cháy

Hiện nay, dự thảo luật đã dành chương IV để quy định về vấn đề cứu nạn cứu hộ trong 7 điều. Trong đó, điều 38 quy định về trách nhiệm cứu nạn cứu hộ.

Cụ thể, người phát hiện sự cố, tai nạn phải thông tin báo sự cố, tai nạn nhanh nhất đến lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tham gia cứu nạn cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gần nơi xảy ra sự cố phải nhanh chóng thông tin và tham gia cứu nạn cứu hộ kịp thời.

Đặc biệt, lực lượng công an có trách nhiệm tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ khu vực sự cố, tai nạn, tham gia cứu nạn cứu hộ và huy động lực lượng quần chúng thuộc phạm vi quản lý tham gia phối hợp cứu nạn cứu hộ…

Tuy nhiên theo đại biểu Khuất Việt Dũng, các nội dung liên quan đến phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được quy định trong dự thảo luật còn khá chung chung. Trong đó, việc bố trí nhiệm vụ của các lực lượng cứu nạn cứu hộ của các lực lượng nói chung, lực lượng phòng cháy chữa cháy của công an nói riêng cần có quy định cụ thể hơn để rõ trách nhiệm khi tham gia phòng cháy chữa cháy./.

Nguồn: Sau các vụ cháy kinh hoàng: Bố trí phương tiện cứu hỏa, tập huấn cho người dân | Vietnam+ (VietnamPlus)