Với lượng khách quốc tế đến được các chuyên gia đánh giá tăng trưởng tích cực 9 tháng qua, đa số các thị trường đã phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường còn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả 9 tháng đón 12,7 triệu lượt khách, liệu toàn ngành du lịch có đạt được mục tiêu “về đích” với 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2024?
Ngành du lịch có thể “cán đích” nào?
Theo các chuyên gia nhận định, những tín hiệu lạc quan của ngành công nghiệp không khói Việt Nam đang đạt được do thời gian qua do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở Australia, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… Đáng chú ý là chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ tạo được tiếng vang nhất định.
Cùng với động lực từ chính sách thị thực thông thoáng, những tháng còn lại năm 2024 đang được kỳ vọng Việt Nam sẽ đón lượng khách quốc tế đến tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Tuy nhiên, con số từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2024 Việt Nam đón hơn 12,7 triệu lượt khách, để đạt được mục tiêu cả năm đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến, trong 3 tháng cuối năm phải đạt gần 5,3 triệu lượt, bình quân hơn 1,76 triệu lượt khách/tháng.
Phân tích về cơ hội cho ngành du lịch có thể “cán đích” 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), Đinh Thị Thúy Phương cho rằng: “Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Vì năm 2019 Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, quý IV năm 2019 đạt hơn 5,1 triệu lượt khách, bình quân đạt hơn 1,71 triệu lượt khách/tháng. Do đó khó có thể đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm 2024.”
Với mục tiêu đón 17 triệu lượt khách cả năm 2024, mức bình quân ngành du lịch cần đón 1,41 triệu lượt khách/tháng để 3 tháng cuối năm phải đạt gần 4,3 triệu lượt khách.
“Do quý IV hằng năm là mùa cao điểm của khách du lịch quốc tế, năm 2024 có thể đạt được mục tiêu đón 17 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi, đồng thời toàn ngành cần đề xuất thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả một số giải pháp,” bà Đinh Thị Thúy Phương nhận định.
Giải pháp tăng tốc cho 3 tháng cuối năm
Theo bà Thúy Phương, có 3 nhóm giải pháp cần được triển khai để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng cuối năm. Đầu tiên, tiếp tục cải thiện chính sách visa, đặc biệt là mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành vận tải (hàng không, đường sắt…), dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, bán lẻ hàng hóa…
Hai là đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường khách mới thay vì tập trung vào một số thị trường truyền thống. Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số song song với việc thu hút khách, tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tour du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa truyền thống; khuyến khích khách du lịch quốc tế chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú để tăng doanh thu du lịch.
Ba là phát triển du lịch bền vững, bằng cách gắn hoạt động du lịch với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành cũng cảnh báo các yếu tố rủi ro, dù hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng. Vì thế, cần khai thác bài bản các sản phẩm du lịch, hiệu quả để tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, doanh nghiệp du lịch hiện vẫn đối mặt với ba vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… Do đó, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều (nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026).
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro như vậy, song các chuyên gia ngành du lịch Việt vẫn cho rằng toàn ngành có khả năng cán mốc 17 triệu khách quốc tế sau mùa cao điểm cuối năm nay./.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2024 ước đạt gần 1,3 triệu lượt khách tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023; quý III/2024, ước đạt gần 3,8 triệu lượt khách tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, lượng khách quốc tế đến ước đạt hơn 12,7 triệu lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu du lịch tăng trong các mùa cao điểm cùng sự khởi sắc của sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu đã lan tỏa tích cực đến các ngành dịch vụ thị trường, góp phần làm tăng doanh thu cho các hoạt động lưu trú ăn uống, vận tải, vui chơi giải trí...