Chiều 3/4, ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, cho biết lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố đã đến kiểm tra hiện trường, trao tiền hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng trong hai vụ sạt lở bờ sông Trà Nóc và kênh Cần Thơ Bé xảy ra vào sáng cùng ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho 13 hộ dân có nhà bị sạt lở ở sông Trà Nóc (phường Trà An, quận Bình Thủy) và kênh Cần Thơ Bé (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), mỗi hộ 20 triệu đồng, một hộ có nhà bị ảnh hưởng một phần 10 triệu đồng.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ," sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền quận Bình Thủy và quận Thốt Nốt đã huy động lực lượng tại chỗ có mặt tại hiện trường hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở tháo dỡ, di dời khẩn cấp các vật dụng, đồ dùng đến nơi an toàn, lắp đặt biển, căng dây cảnh báo… thông báo rộng rãi cho người dân quanh khu vực được biết để phối hợp, chủ động phòng, chống; tuyên truyền, vận động không để người còn ở lại trong các căn nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở.
Ông Nguyễn Quí Ninh cho biết tình hình hai điểm sạt lở trên sông Trà Nóc và kênh Cần Thơ Bé vẫn đang có diễn biến phức tạp. Hiện trường xuất hiện một số vết nứt, sạt lở có khả năng vẫn tiếp tục xảy ra, ăn sâu vào bờ tại khu vực trên.
Trước đó, vào lúc 6 giờ 20 ngày 3/4, tuyến sông Trà Nóc đoạn qua khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy, bị sạt lở một đoạn dài 55m, lấn sâu vào bờ 7m, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến 10 căn nhà ven sông; trong đó có 7 căn nhà bị sạt lở một phần nhà sau, có căn sạt đến giữa nhà và 3 căn nhà có nguy cơ sạt lở rất cao cần phải di dời, ước thiệt hại tài sản khoảng 700 triệu đồng.
Đến 7 giờ 30 cùng ngày, tại kênh Cần Thơ Bé, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cũng bị sạt lở làm 3 căn nhà của người dân bị sụp xuống sông và 2 căn đang có nguy cơ sạt lở rất cao phải di dời. Điểm sạt lở dài 35m, ăn sâu vào bờ 6m, thiệt hại tài sản gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, một đoạn dài gần 50m đang xuất hiện nhiều điểm rạn nứt, đe dọa sạt lở trong những ngày tới.
Các vụ sạt lở không có thiệt hại về người. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông. Đáng chú ý, chỉ trong ba ngày đầu tháng 4 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ.
Trước tác động của Biến đổi Khí hậu toàn cầu và diễn biến ngày càng phức tạp có chiều hướng gia tăng của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ tiếp tục đề ra nhiều biện pháp ứng phó, đặc biệt chú trọng đến phương châm "4 tại chỗ" cũng như thực hiện các chính sách xã hội trong cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 41 vụ sạt lở, tăng 28 vụ so với năm 2022. Các vụ sạt lở được ghi nhận trên địa bàn các huyện Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, quận Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt làm 8 căn nhà sạt hoàn toàn xuống sông, 21 căn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sạt lở cũng làm 2 người bị thương. Tổng chiều dài sạt lở gần 2,45km, ước tính thiệt hại gần 34,5 tỷ đồng.
Thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành 17 lệnh xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, khắc phục xử lý trên 1,7km sạt lở.
Trong năm 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp, Chi cục Thủy lợi thành phố đã gia cố 860m kè chống sạt lở trên địa bàn. Chính phủ cũng hỗ trợ thành phố 250 tỷ đồng thực hiện Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn đoạn từ Vàm Ba Rích đến Rạch Tầm Vu./.
Nguồn: Sạt lở bờ sông Trà Nóc và kênh Cần Thơ Bé có thể tiếp tục xảy ra | Vietnam+ (VietnamPlus)