San xuat nghe thuat bang AI: Moi de doa voi ban quyen cua hoa si? hinh anh 1Các tác phẩm do AI Stable Diffusion tạo ra. (Nguồn: The Verge)

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo nội dung mới (generative AI) trong lĩnh vực nghệ thuật và hội họa đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng họa sĩ, khi tác phẩm của họ bị AI sao chép dù chưa được phép.

Văn phòng Bản quyền Mỹ mới đây đã từ chối cấp bản quyền hình ảnh sử dụng trong tác phẩm tiểu thuyết đồ họa "Zarya of the Dawn" do hệ thống AI Midjourney sáng tạo.  

Với cộng đồng họa sĩ trên thế giới, Midjourney không phải là cái tên xa lạ. Đây là công cụ hỗ trợ sản xuất hình ảnh nhờ vào những gợi ý bằng chữ (prompt) mà người dùng nhập vào. Gợi ý càng chi tiết thì kết quả càng đúng với những gì người ta mong muón AI tạo ra.

Tuy nhiên, Midjourney đã vướng vào nhiều cáo buộc ăn cắp hình ảnh và tác phẩm của các họa sĩ. 

Đơn cử hồi tháng 1 năm nay, ba nghệ sĩ Sarah Andersen, Kelly McKernan và Karla Ortiz đã làm đơn kiện chống lại công ty Stability AI và Midjourney - nơi tạo ra các công cụ sản xuất nghệ thuật bằng AI mang tên Stable Diffusion và Midjourney. Họ cũng kiện nền tảng DeviantArt, nơi mới ra mắt hệ thống AI sáng tạo mang tên DreamUp.

Các nghệ sĩ đứng đơn cáo buộc rằng những công ty và tổ chức nêu trên đã vi phạm quyền của hàng triệu nghệ sĩ khác, thông qua việc đào tạo công cụ AI của họ sử dụng 5 tỷ hình ảnh được lấy từ web, khi chưa được sự đồng ý của các nghệ sĩ gốc.

 

Butterick và Saveri cũng đang kiện các công ty Microsoft, GitHub và OpenAI trong một vụ việc tương tự liên quan đến mô hình lập trình AI tên là CoPilot. Trí thông minh nhân tạo này được đào tạo dựa trên các dòng mã thu thập từ Internet.

Trong một bài đăng trên blog cá nhân, Butterick mô tả vụ việc là “một bước đi hướng tới việc làm cho hoạt động sử dụng AI trở nên công bằng và có đạo đức hơn.” 

Ông nói rằng khả năng sản xuất không giới hạn dựa trên các hình ảnh vi phạm bản quyền của những công cụ AI như Stable Diffusion sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho thị trường nghệ thuật và giới họa sĩ.

Thực tế, phản ứng của bộ ba nghệ sĩ trên không phải là mới. Kể từ khi các công cụ AI trở nên phổ biến trong năm qua, cộng đồng nghệ thuật đã có nhiều phản ứng mạnh mẽ. 

Một số người nói rằng những công cụ này có thể hữu ích, giống như các phần mềm Adobe Photoshop và Illustrator khi chúng mới ra đời.

Nhưng người phản đối cho rằng tác phẩm của họ đang bị sử dụng trái phép để đào tạo các hệ thống này, với mục tiêu cuối là mang lại lợi nhuận tài chính. 

Theo họ, các mô hình sáng tạo nghệ thuật bằng AI đều được phát triển dựa trên hàng tỷ hình ảnh thu thập từ Internet, mà người sáng tạo thường không biết hoặc không đồng ý với việc tái sử dụng sản phẩm của mình. 

Abhishek Gupta, người sáng lập và nhà nghiên cứu chính tại Viện đạo đức AI tại Montreal (Mỹ), cho biết: “Việc sử dụng các công cụ AI có ảnh hưởng rõ ràng đối với sinh kế của các nghệ sĩ, đặc biệt là những người phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền thu từ việc sáng tạo các tác phẩm được ủy thác cho họ, như thiết kế bìa sách, tranh minh họa và sản phẩm đồ họa”. 

Ông nói thêm: “Sự sụt giảm về nguồn thu chắc chắn sẽ gây ra tác động kép: làm suy giảm khả năng tài chính của các nghệ sĩ hiện tại và làm nản lòng các nghệ sĩ trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này một cách nghiêm túc”.

Theo giới quan sát, việc bất kỳ ai cũng có thể tạo ra những tác phẩm mô phỏng chính xác tác phẩm nghệ thuật 'thật', và các công ty có thể thoải mái tạo ra, cũng như bán những tác phẩm nhái lại đứa con tinh thần của các tác giả gốc vẫn đang còn sống, thì việc này sẽ đặt ra những dấu hỏi nghiêm trọng về pháp lý và đạo đức.

Liệu những hệ thống sáng tạo nghệ thuật dựa trên AI này có vi phạm luật bản quyền hay không hiện là một câu hỏi phức tạp mà các chuyên gia cho rằng sẽ cần được giải quyết tại tòa án. 

Những người tạo ra các công cụ thường lập luận rằng việc huấn luyện AI dựa trên dữ liệu có bản quyền nên được xem là hoạt động hợp pháp ở Mỹ. Theo thuyết Sử dụng Công bằng (Fair use) trong luật pháp Mỹ, các chất liệu có bản quyền vẫn có thể được người khác sử dụng lại một cách hạn chế, mà không cần phải xin phép trước chủ sở hữu gốc.  

Tuy nhiên, các trường hợp liên quan đến Sử dụng Công bằng vẫn có thể bị khởi kiện. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố phức tạp khi nói đến những công cụ sáng tạo nghệ thuật AI, bao gồm ảnh hưởng của các tổ chức đằng sau các công cụ đó và mục đích của các tổ chức này. 

Ví dụ, Stable Diffusion, được đào tạo trên bộ dữ liệu LAION lấy từ các nghiên cứu phi lợi nhuận và tổ chức phi lợi nhuận, có thể được đối xử ưu ái hơn so với các công ty thông thường.

Hiện vụ kiện do Butterick khởi xướng đang bị chỉ trích vì có những điểm không chính xác về mặt kỹ thuật. Theo đó, vụ kiện tuyên bố rằng các mô hình sáng tạo nghệ thuật dựa trên AI lưu trữ các bản sao của hình ảnh được bảo vệ bản quyền, trước khi kết hợp chúng lại. Như thế những hệ thống AI này chỉ hoạt động như “các cỗ máy cắt và dán của thế kỷ 21.” 

Thực tế thì các mô sáng tạo nghệ thuật dựa trên AI hoàn toàn không lưu trữ hình ảnh. Thay vào đó, chúng chỉ thực hiện các phép tính toán dựa trên mẫu ảnh được thu thập. Chúng cũng không cắt ghép các hình ảnh lại với nhau, mà tạo ra hình ảnh mới hoàn toàn dựa trên những tính toán kể trên./.

 

Khánh Linh (Vietnam+)