Sân vận động của Budapest chật kín khán giả và bài học cho du lịch Việt
13:22 - 24/06/2021
Hình ảnh một số sân vận động của châu Âu chào đón khán giả trở lại, trong đó có cả những cổ động viên (CĐV) quốc tế, là một tín hiệu khả quan về việc phục hồi du lịch. Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn đang “đóng băng” bởi đợt bùng dịch lần thứ 4.
Giải EURO 2021 chào đón hàng vạn CĐV
Trong mùa hè này, cộng đồng hâm mộ bóng đá đang hào hứng hướng về Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 2021 - giải đấu vẫn giữ tên UEFA EURO 2020 bởi bị hoãn lại một năm vì đại dịch bùng phát. Đây được coi là sự kiện thể thao lớn nhất châu Âu kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện, theo đó các sân vận động tại 11 thành phố đăng cai giải đấu sẽ chào đón hàng vạn CĐV trong nước và quốc tế đến tham dự.
Đã từ lâu mọi người mới thấy một sân vận động chật kín khán giả để xem bóng đá. Đó là những hình ảnh vừa tạo hào hứng vừa gây hoang mang cho cộng đồng tại sân vận động Puskás của Budapest (Hungary) thời gian vừa qua – sân vận động duy nhất mở 100% công suất cho người hâm mộ bóng đá, sức chứa tối đa lên tới 61.000 người.
Được biết, CĐV trong nước muốn vào sân cổ vũ phải cung cấp được kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 và giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin. Còn CĐV quốc tế phải cung cấp được kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước ngày thi đấu, cùng với đó là lịch sử về việc điều trị COVID-19 (nếu có) hoặc bằng chứng đã miễn dịch cộng đồng hợp lệ với danh sách các loại giấy chứng nhận tiêm chủng được chính phủ Hungary chấp nhận.
Trong khi đó, các thành phố khác đăng cai giải đấu chỉ hướng tới tỷ lệ lấp đầy sân vận động của họ từ khoảng 20% đến 50%. Đơn cử, sân vận động Johan Cruijff thuộc thành phố Amsterdam (Hà Lan) “mở” khoảng 16.000 chỗ ngồi, tương ứng 33% công suất, kèm theo yêu cầu khán giả phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi vào sân. Tại Baku (Azerbaijan), sân vận động Olympic dự kiến đón tới 31.000 khán giả, tương ứng 50% công suất, chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc cung cấp xét nghiệm âm tính với COVID-19 như ở Amsterdam.
Bên cạnh đó, có khoảng 13.000 khán giả được cho phép vào sân vận động quốc gia của Bucharest (Romania), nếu đã cung cấp được kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 hoặc chứng nhận đã tiêm chủng. Sân vận động Hampden Park tại thành phố Glasglow (Scotland) không yêu cầu CĐV phải xét nghiệm trước nhưng chỉ cho phép 12.000 khán giả được vào cổ vũ.
Mặc dù các kế hoạch giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, hội đồng tổ chức giải UEFA EURO 2020 vẫn khuyến cáo các CĐV chuẩn bị kỹ lưỡng, tự bảo vệ sức khoẻ bản thân và phối hợp với công tác kiểm dịch tại các sân vận động. Khán giả có vé tham dự giải đấu năm nay sẽ phải trải qua nhiều thủ tục hơn so với trước dịch.
Cụ thể, mỗi khán giả có thể sẽ phải trải qua quy trình kiểm dịch kéo dài ít nhất 30 phút trước khi vào sân và phải tuân thủ các quy tắc an toàn vệ sinh và giãn cách xã hội tại các sân vận động. Ví như: đeo mặt nạ; duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 mét; chỉ sử dụng các chỗ ngồi được ghi trên vé; luôn rửa và khử trùng tay; tránh bắt tay, ôm, vỗ tay nhau và tiếp xúc gần với người khác; khán giả được khuyến khích ngồi tại chỗ trong giờ nghỉ giải lao và hạn chế di chuyển nhiều nhất có thể; nếu ai có các triệu chứng của COVID-19 thì không nên đến sân vận động; phải tuân thủ các biển báo trong sân vận động…
Tại sao Liên minh châu Âu (EU) làm được?
Đại dịch khiến các nước châu Âu lao đao suốt từ năm 2020 đến đầu năm 2021, giờ đã dần mở cửa trở lại nhờ các chính phủ nhanh chóng triển khai tiêm phòng vắc-xin nhằm miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về một quỹ phục hồi bất thường trị giá 750 tỷ euro có tên là “Thế hệ tiếp theo EU” để phục hồi kinh tế - xã hội.
Nhưng không chỉ vậy, với tinh thần đoàn kết, các nước EU đã tạo điều kiện và viện trợ lẫn nhau để cùng chống lại đại dịch COVID-19. Đơn cử như Áo, Đức và Luxembourg đã cung cấp các đơn vị chăm sóc đặc biệt của họ cho các bệnh nhân Bỉ, Hà Lan, Pháp và Ý trong tình trạng nguy kịch. Ba Lan, Romania và Đức đã cử các đoàn bác sĩ sang giúp điều trị cho các bệnh nhân tại các bệnh viện ở Ý. Hungary và Hà Lan đã gửi máy thở đến Czechia. Pháp đã chia sẻ vắc-xin với Séc và Slovakia…
Về du lịch, các nước EU thiết lập khuôn khổ chung cho các biện pháp đi lại nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại của cư dân EU trong đại dịch COVID-19. Họ đã nhất trí về các định nghĩa chung về “vùng rủi ro” và cung cấp các tiêu chí chung để xem xét, thống nhất việc áp dụng các biện pháp di chuyển và phòng dịch.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu công bố bản đồ các vùng an toàn dựa trên dữ liệu được cung cấp từ các quốc gia thành viên vào thứ năm hàng tuần. Bản đồ này giúp các nước thành viên đưa ra quyết định về chính sách du lịch dựa trên tình hình dịch bệnh theo từng khu vực.
Để tránh những quyết định bất ngờ như Anh với Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 6/2021, các nước EU đã đồng ý việc thông tin về các biện pháp du lịch mới phải được công bố 24 giờ trước khi đi vào áp dụng. Nhờ đó, du khách có thể lên kế hoạch cho các chuyến đi của mình từ nguồn đáng tin cậy và cập nhật nhanh chóng, trong khi vẫn đảm bảo an toàn sức khoẻ bản thân và cộng đồng. Trang web “reopen.europa.eu” của EU tổng hợp những thông tin như vậy và được dịch ra 24 ngôn ngữ trong khối liên minh.
Bài học cho du lịch Việt
Những động thái của châu Âu hiện nay đang được cả thế giới dõi theo bởi đây có thể là một bài học đáng giá để các quốc gia khác lên kế hoạch phục hồi kinh tế và du lịch nước nhà. Tại Việt Nam, dù đã từng kỳ vọng du lịch bùng nổ trong dịp hè nhưng dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp trong nước đang khiến không chỉ các đơn vị kinh doanh trực tiếp trong ngành du lịch mà nhiều lĩnh vực phụ trợ như cung ứng dịch vụ du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, du thuyền… đều “lao đao”.
Nhìn từ thực tế các quốc gia châu Âu, việc tiêm vắc-xin phòng dịch và áp dụng “hộ chiếu vaccine” đã phần nào giúp xóa bỏ rào cản đi lại trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là tiền đề cho các quốc gia châu Âu yên tâm mở cửa trở lại và bắt đầu chào đón các du khách trong mùa hè này.
Từ đầu tháng sáu, các nước Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Czech, Croatia và Ba Lan đã triển khai “hộ chiếu vắc-xin” (sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của EU là từ ngày 1/7), để chuẩn bị mùa cao điểm du lịch hè sau quãng thời gian dài người dân phải cách ly ở nhà.
Mặc dù vẫn còn những luồng ý kiến trái chiều về việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin”, tại thời điểm này, hầu hết các chuyên gia và người làm du lịch tại Việt Nam đều mong muốn các cơ quan chức năng thử nghiệm giải pháp này, trước tiên cho du lịch nội địa.
Theo đó, tấm “hộ chiếu” này có thể giúp miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly, xét nghiệm… cho những người đã tiêm phòng. Nếu áp dụng cho thị trường nội địa thành công, Việt Nam có thể tính đến phương án đón khách quốc tế thông qua một số tour ít người, giá cao như du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi..
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/san-van-dong-cua-budapest-chat-kin-khan-gia-va-bai-hoc-cho-du-lich-viet-d159008.html