Sân khấu hóa hoạt động đảm bảo ATGT trường học ở Hà Nội

07:01 - 28/09/2022

Nhằm tuyên truyền pháp luật ATGT tới các học sinh trên địa bàn, các ngành chức năng của TP. Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, bám sát thực tế.

 

Nhằm tuyên truyền pháp luật ATGT tới các học sinh trên địa bàn, các ngành chức năng của TP. Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, bám sát thực tế, đặc biệt là thay đổi phương pháp truyền tải thông tin với nhiều hình thức đa dạng, sân khấu hóa giảng dạy ATGT để học sinh nắm bắt được những kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng tham gia giao thông trên đường.

Sân khấu hóa hoạt động đảm bảo ATGT trường học ở Hà Nội - Ảnh 1.

Sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật ATGT ở các trường học

Sân khấu hóa tuyên truyền ATGT đến từng cấp học

Trung tá Đặng Mạnh Hùng - Phó Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 3 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp Ban ATGT TP. Hà Nội, Công an quận Đống Đa, các đại lý Honda ủy nhiệm trên địa bàn, có kế hoạch tuyên tuyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT tới từng cấp học trên địa bàn.

"Có thể nói, sau cao điểm dịch bệnh Covid-19 đến nay, đơn vị đã tập trung phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tiến hành tuyên truyền ATGT cho học sinh. Đây là đối tượng đặc biệt nên chúng tôi đã sử dụng hình thức sân khấu hóa các tình huống cụ thể khi tham gia giao thông phù hợp với lứa tuổi để tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT", Trung tá Đặng Mạnh Hùng chia sẻ.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, Đại uý Nguyễn Thị Hồng Nhung - cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 3 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) cho biết, tuyên truyền ATGT cho từng cấp học sẽ có các nội dung khác nhau. Đối với học sinh cấp 3, lực lượng CSGT sẽ tập trung vào chuyên đề cụ thể như: thế nào là xe 50cc, khi đi phải đội mũ bảo hiểm, không kẹp 3 - 4 người, điều khiển xe 50cc có cần GPLX không, tham gia giao thông như thế nào cho đúng, sơ cấp cứu TNGT như thế nào?... bởi đây là các lỗi mà các em thường mắc phải, do đó cần trang bị những kỹ năng cơ bản cho các em để tham gia giao thông an toàn.

"Đối với học sinh cấp 2 cũng cần phải tiến hành khảo sát. Qua nghiên cứu, việc tự đi đến trường cũng có 2 hình thức: đi bộ hoặc đi xe đạp. Đối với những em đi bộ đến trường thì cần tuyên truyền, hướng dẫn đi trên vỉa hè, đi vào lối cho người đi bộ. Với những em đi xe đạp, ngoài việc là đối tượng được tuyên truyền trực tiếp, các em còn được giao trách nhiệm là những chiến sĩ tuyên truyền viên về ATGT nhí để tuyên truyền, nhắc nhở bố mẹ như: chở con đến trường phải đội mũ bảo hiểm, chấp hành tín hiệu đèn giao thông và hướng dẫn của người chỉ huy giao thông", Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết thêm.

Theo Đại úy Nhung, đối với cấp tiểu học thì việc tuyên truyền ATGT phải dễ hiểu, đơn giản và gần gũi. Tuy nhiên, khi tuyên truyền ATGT cũng sẽ có sự phân tách. Càng lên cấp cao hơn sẽ có các hình thức phù hợp, sân khấu hóa ATGT. Theo đó, CSGT sẽ làm mô phỏng về hiệu lệnh chỉ huy giao thông, giúp các em hình thành kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Sân khấu hóa hoạt động đảm bảo ATGT trường học ở Hà Nội - Ảnh 2.

Đẩy mạnh tuyên truyền ATGT giúp các em học sinh hình thành kỹ năng tham gia giao thông an toàn

Đảm bảo ATGT khu vực cổng trường

Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT trên đường Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, nơi có Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Trường THCS Việt Nam - An-giê-ri, lực lượng công an phường Thanh Xuân Bắc, tổ tự quản đã tiến hành phân luồng đảm bảo trật tự giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực trường học.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Bắc, ngay từ đầu năm học, Công an phường đã làm việc với ban giám hiệu các trường học trên địa bàn về công tác đảm bảo ATGT.

Để giảm tải UTGT, Công an phường đã tham mưu cho UBND phường trông xe miễn phí cho các phụ huynh đến trường đón con, em mình; đề xuất với nhà trường mở cửa phụ để các phụ huynh vào trong khu vực trường học nhằm giảm tải người tham gia giao thông trong các giờ cao điểm.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng thông tin, ngay từ sáng sớm, lực lượng Công an phường, tổ tự quản bảo đảm chốt trực các điểm tại ngã tư, điểm giao cắt và trước cửa trường học hướng dẫn phân luồng giao thông, hỗ trợ các em qua đường vào trường, đồng thời bố trí thêm tổ tuần tra lưu thông kịp thời giải tỏa các điểm sung đột, ùn ứ giao thông. Khi nào nhà trường đóng cửa, lực lượng trên mới chuyển sang làm nhiệm vụ khác.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Tạ Đức Giang - Phó Chánh Văn phòng, Ban ATGT TP. Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng 9, Ban ATGT Thành phố đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội với nội dung chính là tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền cho học sinh; triển khai xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng như: công an phường, xã, tổ tự quản trên địa bàn tổ chức chống UTGT tại khu vực cổng trường, đảm bảo trật tự ATGT thông suốt an toàn.

Theo đại diện Vụ Chính trị, Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ đã chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục đảm bảo ATGT ngay từ đầu năm học, đặc biệt là triển khai tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường năm học mới. Theo đó, các sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng triển khai các mô hình cổng trường ATGT; kiểm soát chặt dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh đến trường; tập huấn cho giáo viên, học sinh kĩ năng tham gia giao thông trên đường đảm bảo an toàn; yêu cầu giáo viên, học sinh đã sử dụng rượu, bia không lái xe, không sử dụng điện thoại khi lái xe...