Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự kiến trong tương lai, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ cácbon tự nguyện được cung cấp, đi kèm với nhu cầu trao đổi, mua bán. Vì vậy, việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ cácbon trong nước sẽ giúp các giao dịch liên quan được tập trung, minh bạch và hiệu quả hơn.

Đây cũng là chiến lược quan trọng được xem là “chìa khóa xanh” để Việt Nam thực hiện mục tiêu “Net Zero” cũng như đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Hơn 1.910 doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính

Hướng tới Net Zero vào năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường cácbon trong nước, trong đó tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính từ các doanh nghiệp và trao đổi trong thị trường cácbon trong nước, định hướng kết nối với thị trường quốc tế.

Trong đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ cácbon.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết để triển khai theo lộ trình trên, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hạ tầng, kỹ thuật, năng lực kiểm kê và báo cáo của doanh nghiệp.

 

Theo thống kê, cả nước có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Vì thế, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch của Việt Nam; cũng như phân bổ cho các cơ sở trong giai đoạn 2026-2030 và hằng năm.

[Doanh nghiệp tiên phong đồng hành cùng Chính phủ hướng tới Net Zero]

“Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải tham gia giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài, các quốc gia cũng đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam triển khai các dự án có tiềm năng tạo tín chỉ cácbon để thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây cũng là nguồn tín chỉ để giao dịch,” ông Cường nói.

San giao dich cacbon: ‘Chia khoa’ giup Viet Nam huong toi Net Zero hinh anh 1Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về các cơ chế tín chỉ cácbon hiện hữu tại Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng ban Tư vấn xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ cácbon tự nguyện, cho biết có 4 cơ chế tín chỉ là: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Tiêu chuẩn vàng (GS), cơ chế cácbon được thẩm định (GCS).

Tổng lượng tín chỉ liên quan đến cácbon phát hành ở Việt Nam tính đến tháng 12/2022 là hơn 40 triệu tín chỉ. Ngoài ra, có khoảng 50 dự án phát hành tín chỉ cácbon theo cơ chế của Hội đồng cácbon toàn cầu (GCC) đã được đệ trình. Trong số này, CDM và JCM là các cơ chế có sự quản lý của cơ quan nhà nước.

“Với các cơ chế còn lại, đơn vị sở hữu tín chỉ có trách nhiệm báo cáo về cơ quan có thẩm quyền quản lý để tổng hợp. Khi Việt Nam thiết lập và vận hành thị trường cácbon trong nước, việc thiết lập sàn giao dịch sẽ giúp các giao dịch liên quan đến tín chỉ cácbon được tập trung, minh bạch và hiệu quả hơn,” bà Loan chia sẻ.

Chia sẻ về lộ trình ban hành các cơ chế quản lý toàn bộ tín chỉ cácbon, ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Cục Biến đổi khí hậu, cho biết sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia.

Trên cơ sở đó, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức có lượng tín chỉ cácbon tạo ra tại Việt Nam sẽ phải đăng ký với trên hệ thống này. Khi có trao đổi ra nước ngoài thì cần báo cáo cho cơ quan quản lý là Bộ Tài nguyên và môi trường, bởi hoạt động này còn ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia.

Cần đưa ra các mục tiêu rõ ràng trong ngắn hạn

Từ góc độ ngân hàng hỗ trợ, theo bà Nguyễn Thúy Hạnh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered, việc thành lập thị trường tín chỉ cácbon tự nguyện là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Theo đánh giá của bà Hạnh, Việt Nam là một thị trường phát triển tiềm năng trên thế giới. Tuy nhiên, để huy động vốn đầu tư FDI thì doanh nghiệp Việt Nam và chuỗi cung ứng cần phải chuyển dịch theo hướng xanh, bền vững.

San giao dich cacbon: ‘Chia khoa’ giup Viet Nam huong toi Net Zero hinh anh 2Nhu cầu tín chỉ cácbon tự nguyện đang tăng lên trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

“Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ phát triển bền vững đồng thời tư vấn miễn phí cho tất cả doanh nghiệp khi họ có đầu tư mới hoặc có kế hoạch kinh doanh hướng tới giảm phát thải,” bà Hạnh chia sẻ thêm.

Theo xu hướng thực hiện mục tiêu Net Zero, nhu cầu tín chỉ cácbon tự nguyện trên thế giới đang tăng lên trong thời gian gần đây, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các dự án tín chỉ cácbon tại Việt Nam hầu hết được thực hiện thông qua hợp đồng mua trước, nghĩa là bên có nhu cầu sẽ đặt hàng.

Từ kinh nghiệm xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ cácbon tại singapore, ông Mark Glossoti - Giám đốc Phụ trách điều hành Công ty Climate Impact Exchange cho rằng Việt Nam cần đưa ra các mục tiêu rõ ràng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các mục tiêu này có thể sẽ thay đổi do thị trường có nhiều yếu tố không chắc chắn, nhưng các bước đi ban đầu vẫn cần phải được thực hiện.

Ngoài ra, theo ông Mark Glossoti, Việt Nam cũng cần dự kiến sự phát triển của thị trường cácbon theo thời gian và nguồn lực cần thiết cho xây dựng sàn giao dịch.

Trong diễn biến liên quan, mới đây, tại phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, diễn ra chiều 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghị định quản lý tín chỉ cácbon, trình Chính phủ trong quý II/2024.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn, cùng với các cơ quan liên quan tham khảo kinh nghiệm các nước, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý tín chỉ cácbon rừng tại Việt Nam; bảo đảm việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

Hùng Võ (Vietnam+)