Quyet sach kip thoi cua Chinh phu giup DN phuc hoi va phat trien hinh anh 1Các đại biểu tham dự toạ đàm. (Ảnh: TTXVN)

Tọa đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó” vừa được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Tại Tọa đàm, các khách mời nhận định, các quyết sách kịp thời của Chính phủ đã “giải vây” cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đồng hành, kịp thời có quyết sách, giải pháp cho doanh nghiệp, thậm chí có những giải pháp chưa từng có tiền lệ.

Nhờ đó, cả Chính phủ cũng như doanh nghiệp đã "biến nguy thành cơ" rất thành công. Điều đó thể hiện qua việc kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển và phục hồi rất tốt, rất nhanh sau khi kiểm soát được dịch.

“Chính nhờ quyết sách ấy và sự quyết liệt của Chính phủ đã giúp bảo toàn năng lực cho doanh nghiệp hiện nay không đổ vỡ quá nhiều trong đại dịch vừa rồi. Các quyết sách đã hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, chớp lấy cơ hội khi chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gẫy, có khoảng trống thì doanh nghiệp Việt Nam kịp thời điền vào chỗ trống, góp phần cho GDP quý 3 tăng trưởng cao,” ông Phạm Tấn Công nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp đã sáng tạo, năng động, đồng hành với Chính phủ, chia sẻ những khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng, chống dịch, duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, ổn định xã hội.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, các ngân hàng đã tái cơ cấu để hạn chế và xử lý nợ xấu.

Khi cơ cấu nợ, Sacombank đã phải trích lập dự phòng, có những gói lãi suất cho vay ưu đãi, đưa ra những chính sách miễn giảm phí, đồng hành cùng doanh nghiệp theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ.

Trong năm 2021, Sacombank đã hy sinh gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận, chia sẻ và đồng hành từ hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch. Những định hướng xuyên suốt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều được các ngân hàng ủng hộ và hưởng ứng.

[Doanh nghiệp lo ngại chịu thêm áp lực từ việc tăng lãi suất]

Nêu lên vấn đề trọng yếu nhất đối với doanh nghiệp là vốn, Chủ tich VCCI Phạm Tấn Công cho hay, vốn vừa là điểm nghẽn, vừa là điểm nóng, vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế.

Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp," tức là những chính sách không lường trước được.

Giai đoạn COVID-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó, nhưng tới đây, giải bài toán này cũng không hề đơn giản. Ông kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt để vượt qua thách thức.

Quyet sach kip thoi cua Chinh phu giup DN phuc hoi va phat trien hinh anh 2PGS, TS Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Còn theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, tình hình còn không ít khó khăn. Chính phủ đã rất quan tâm tái cấu trúc thị trường tài chính, để tiền đầu tư công bơm ra được cho nền kinh tế.

Chính phủ tích cực trao đổi, thảo luận, chỉnh sửa, một mặt giữ cho nền kinh tế ổn định vĩ mô, mặt khác tạo động lực tăng trưởng mới.

Ông cũng nhìn nhận, dịch bệnh giảm bớt, tinh thần hào hứng của doanh nghiệp cũng trỗi dậy, đúng với cách đặt vấn đề của Chính phủ là phục hồi và phát triển, chứ không chỉ đơn thuần là phục hồi. Điều đó tạo đà-thế-lực cho nền kinh tế.

Nêu ý kiến về vấn đề vốn, theo Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm, những định hướng, quyết sách, nghị định của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa.

Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ lấy gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp rất ngại tiếp cận do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm, rồi sau nhiều năm có khi lại sai phạm.

“Cho nên cần quan tâm, chú trọng hơn trong vấn đề giữa nghị định, chính sách và thực tế,” bà nói.

Dưới góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, các doanh nghiệp Việt cũng cần nỗ lực hơn, đặc biệt trong giai đoạn sắp tới, để cạnh tranh thành công phải quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi nhiều hơn để phát huy nguồn lực đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh xứng tầm với một quốc gia phát triển và ngang tầm với các nước văn minh nhất trên thế giới. Đây vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược.

Tuy nhiên, câu chuyện này không chỉ một con người, một tổ chức có thể làm được, mà toàn bộ xã hội, toàn bộ hệ thống, trong đó đầu tiên là giới doanh nhân Việt Nam, phải tiên phong thực hiện./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)