Quyet liet xu ly vi pham nong do con, xay dung van hoa giao thong hinh anh 1Cán bộ, chiến sỹ tổ công tác Y14/141 kiểm tra nồng độ cồn tài xế ô tô tại tuyến phố Tràng Thi-Quán Sứ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hơn bao giờ hết, câu chuyện Cảnh sát Giao thông xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn lại được người dân Thủ đô bàn tán, nhắc nhở, cảnh báo với nhau nhiều như hiện nay: Uống rượu bia là không lái xe.

Từ khi lực lượng Công an quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, ở Thủ đô, thói quen văn hóa giao thông dần hình thành.

Tại Hà Nội, hiện nay, câu nói: Tôi không thể uống rượu, bia do còn phải lái xe lại được tôn trọng và uy lực đến như thế. Người có ý định mời rượu bia, không còn nài ép, bắt uống như trước.

So với trước đây, rõ ràng ý thức của người mời rượu và người bị mời đã thay đổi rõ rệt. Vì ai cũng thấy được, nếu vi phạm nồng độ cồn sẽ không có cách gì có thể xin để bỏ qua lỗi vi phạm hoặc trốn tránh không bị kiểm tra.

Cảnh sát Giao thông, Công an quận Hà Đông đã từng xử lý một trường hợp với mức kịch khung khi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn với số tiền khoảng 40 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 22-24 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Cụ thể, khoảng 20 giờ 35 ngày 12/2, Tổ công tác Y11/141 lập chốt tại nút giao Lê Trọng Tấn-Khu đô thị Park City, quận Hà Đông phát lệnh yêu cầu dừng ôtô 30H-484xx do tài xế V.Đ.N (sinh năm 1995, trú tại tỉnh Phú Thọ) điều khiển để kiểm tra.

 

[Hà Nội: Xử lý nghiêm tài xế vi phạm nồng độ cồn lao xe vào CSGT]

Dù được giải thích, tài xế N không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Không những thế, người này còn yêu cầu Tổ công tác cho xem kế hoạch công tác.

Tài xế đồng thời dùng điện thoại quay clip và phát trực tiếp sự việc lên mạng, kêu gọi người khác đến chốt kiểm tra...Thậm chí, anh N còn sử dụng những người đi cùng xe gồm hai phụ nữ và hai trẻ em để gây sức ép với lực lượng làm nhiệm vụ.

Sự việc kéo dài đến 23 giờ 30 cùng ngày, toàn bộ tuyến phố ùn tắc vì nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem. Mạng xã hội xuất hiện nhiều lời lẽ khiếm nhã, vu khống hoạt động của Tổ công tác 141.

Trước sự chứng kiến của người dân quận Hà Đông, Tổ công tác kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Từ dẫn chứng trên có thể thấy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát Giao thông, công an thành phố là nghiêm túc, không chỉ là hô hào khẩu hiệu.

Số liệu của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cho thấy, việc xử lý chủ phương tiện vi phạm nồng độ cồn là rất nghiêm túc và quyết liệt.

Tính từ ngày 14/12/2022 đến ngày 1/3/2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý khoảng 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng.

Phần lớn những người vi phạm đều phản ứng rằng, quá cứng nhắc trong quá trình xử lý nồng độ cồn. Nhiều người cho rằng, trong ngày Tết, chỉ uống một cốc bia có gì đâu mà bị xử phạt.

Nhiều quan điểm lại cho rằng tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe là hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước Giấy phép lái xe ở mức kịch khung tới 22 tháng, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng, thể hiện sự nghiêm khắc, đủ sức răn đe của pháp luật đối với vi phạm về nồng độ cồn.

Có thể hiểu, thay đổi một thói quen lâu ngày và từng được một bộ phận số đông thừa nhận là rất khó. Lực lượng chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt với tinh thần không có vùng cấm, càng cho thấy, cần thiết phải thay đổi thói quen không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Giảm, tiến tới loại bỏ nguyên nhân tai nạn giao thông do uống rượu, bia là vô cùng cấp bách. Nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang áp dụng nghiêm việc xử lý người điều khiển phương tiện uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Có ý kiến cho rằng, để làm được điều trên, một số nước trên thế giới có hệ thống giám sát hiện đại, hệ thống phương tiện giao thông công cộng thuận lợi, dịch vụ vận chuyển thay thế tốt, trình độ dân trí cao, giáo dục an toàn giao thông ngay từ trong nhà trường được coi trọng.

Mặt khác, việc kiểm tra, xử lý nồng độ cồn được thực hiện thường xuyên, liên tục với sự liêm chính của cơ quan chức năng, không phải "trống dong cờ mở" được một thời gian rồi lại im lặng. Vấn đề nêu gương của những người có uy tín trong việc chấp hành không sử dụng rượu bia khi lái xe được đề cao trong xã hội để tạo sự lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật.

Từ đó cho thấy, chủ trương nghiêm cấm người có chức quyền, can thiệp vào quá trình thực thi pháp luật là đúng đắn và cần được duy trì mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa.

Vẫn biết, để hình thành thói quen mới "đã uống rượu bia thì không lái xe", còn gặp nhiều khó khăn. Thế nên cần cả sự vào cuộc cả từ phía gia đình, cần nhắc nhở người thân để chấp hành luật giao thông một cách nghiêm túc nhằm hình thành văn hóa giao thông mới. Hãy biết từ chối uống bia rượu khi lái xe.

Trường hợp đã sử dụng uống rượu bia hãy tìm đến phương tiện công cộng hoặc dùng phương tiện vận chuyển khách để di chuyển để đảm bảo an toàn cho chính mình, tránh vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra./.

Mạnh Khánh (TTXVN/Vietnam+)