Sau hơn 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được nhiều góp ý là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai cấp huyện phải có danh mục các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, có chủ trương đầu tư; phải được xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố và giới chuyên gia cho cho rằng quy định trên cần phải nghiên cứu kỹ hơn bởi khi áp dụng không chỉ gây khó khăn, ách tắc mà còn rất tốn kém.

Khó khả thi

Nhấn mạnh là địa phương nhận được nhiều ý kiến của người dân về quy hoạch sử dụng đất, ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cho rằng yêu cầu "các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính" là rất phức tạp, tốn kém khi thực hiện.

Dẫn Điều 3 của dự thảo luật, ông Hoàn cho rằng quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của các ngành đối với từng vùng kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính.

 

[Ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào một sổ đỏ: Nên hay không?]

Theo ông Hoàn, quy định trên sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là đối với các công trình theo tuyến. Bởi lẽ, kế hoạch sử dụng đất được lập cho thời kỳ 10 năm chưa xác định rõ mục đích cụ thể tại thời điểm lập quy hoạch. Chưa kể, quá trình thực hiện quy hoạch thường có sự thay đổi như: Quy hoạch chi tiết các dự án, các quy định vê quy hoạch giao thông, hành lang an toàn các công trình.

“Vì thế, nếu quy định quy hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất sẽ dẫn đến khi quy hoạch xây dựng được điều chỉnh sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch trước khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì mới có căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,” ông Lại Văn Hoàn góp ý.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất là không khả thi. Việc này không chỉ phức tạp, mà còn rất tốn kém.

Theo đại diện tỉnh Hưng Yên, kế hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu của các ngành đối với từng vùng kinh tế-xã hội và đơn vị hành chính. Vì thế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất là không cần thiết.

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng góp ý việc xác định rõ vị trí ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trong nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện rất khó thực hiện, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi vì đây là những dự án thường xuyên có điều chỉnh trong thực tế.

Quy hoach dat dai den tung thua: Lo ngai phuc tap, gay ton kem hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

“Nếu quy định như này thì khi chúng tôi lập kế hoạch cấp huyện sẽ khó và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung rất phức tạp,” ông Quân trăn trở.

Nên bỏ khâu lập kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện?

Cùng bàn về vấn đề trên, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng quy định về nội dung sử dụng đất cấp huyện như trên là thiếu tính thực tế, bởi chỉ đến khi phê duyệt dự án (không phải khi dự án có chủ trương) mới có thể xác định được quy mô và ranh giới tới từng thửa đất.

Vị đại diện Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cũng lưu ý nếu dự thảo luật quy định kế hoạch sử dụng đất với cấp huyện, thì ban soạn thảo cần thêm một câu như thế này: “Phải thể hiện các dự án trong quy hoạch tới từng thửa đất.”

“Thế nhưng, dự án mới có chủ trương chưa được duyệt thì sẽ không thể biết quy mô thế nào để tới từng thửa đất. Hơn nữa, tư liệu về đất đai hiện nay chưa đồng bộ trong cả nước, nên những câu thiếu thực tế thế này tôi đề nghị sửa lại cho hợp lý,” ông Nghiêm thẳng thắn nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 64 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc lập kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện phải lập từng năm. Việc này căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt và căn cứ vào kế hoạch phát triển xã hội, kế hoạch đầu tư công của tỉnh, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, huyện.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, quy định trên sẽ gây ra nhiều ách tắc vì thông thường kế hoạch sử dụng đất hàng năm được tỉnh thông qua ngay sau kỳ họp đầu của hội đồng nhân dân tỉnh.

Vì thế, nếu sau đó do nhu cầu phát triển kinh tế hoặc yêu cầu của địa phương bổ sung dự án đều phải chờ kế hoạch sử dụng đất năm sau (kể cả các doanh nghiệp nếu các thủ tục chuẩn bị đầu tư không kịp kỳ họp đầu của hội đồng nhân dân cũng phải chờ đợi mặc dù thực hiện đúng theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt).

“Theo chúng tôi, dự thảo luật nên bỏ khâu lập kế hoạch sử dụng đất ở phạm vi cấp huyện để các địa phương và doanh nghiệp chủ động tiết kiệm được thời gian và cũng bớt đi một thủ tục hành chính cho việc triển khai đầu tư dự án. Việc này cũng tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương mình,” ông Hiệp nói.

Ghi nhận các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cho rằng muốn làm được công tác quản lý quy hoạch đất đai thì phải xuất phát từ việc điều chỉnh quy hoạch, giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch đất đai với các quy hoạch khác.

“Hiện nay ở cấp tỉnh đã có quy hoạch tổng thể, vì thế chúng ta cần định hướng được không gian, tốc độ phát triển để nắm bắt diễn biến cho kế hoạch 5 năm. Còn cấp huyện, quy hoạch sẽ là hàng năm và cập nhật danh sách dự án từng năm. Ban soạn thảo sẽ ghi nhận các ý kiến góp ý để có hướng điều chỉnh phù hợp,” ông Hà nhấn mạnh./.

Hùng Võ (Vietnam+)