Quy định về việc quá hạn đăng kiểm xe ô tô

12:19 - 01/02/2023

Việc đăng kiểm xe ô tô sẽ phụ thuộc vào từng loại xe cụ thể, tuổi thọ hiện có của xe để đưa ra thời hạn đăng kiểm theo đúng quy định.


Đăng kiểm là gì?

Đăng kiểm là việc cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của các phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy, đảm bảo an toàn của người và hàng hóa trên các phương tiện đó.

Untitled

Hình minh họa.

Đăng kiểm xe là một hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lương xe có đảm bảo hay không. Hiện nay, với mỗi tỉnh, thành phố đều có một hoặc nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Công việc đăng kiểm sẽ gồm việc kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài của xe xem có đạt tiêu chuẩn không. Nếu xét thấy chỗ nào có vấn đề, chưa tốt, chưa ổn sẽ kịp thời sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người lái xe cũng như những người tham gia giao thông khác.

Mục đích quan trọng nhất của việc đăng kiểm xe ô tô đó là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện. Điều này cũng nhằm giúp giảm, tránh rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường trường cho tất cả mọi người tham gia giao thông. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ phương tiện đối với bản thân cũng như cho những người xung quanh.

Quá hạn đăng kiểm xe ô tô xử lý thế nào?

Việc đăng kiểm xe ô tô sẽ phụ thuộc vào từng loại xe cụ thể, tuổi thọ hiện có của xe để đưa ra thời hạn đăng kiểm theo đúng quy định. Theo thông lệ thì thời hạn đăng kiểm xe ô tô sẽ được ghi cụ thể trên tem đăng kiểm xe và dán trực tiếp lên chắn gió phía trên của xe. Hiện nay, quy định về thời hạn đăng kiểm các loại xe ô tô lần đầy và theo chu kỳ được quy định cụ thể tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

1. Đối với ô tô chở người các loại đến 09 chỗ không kinh doanh vận tải:

- Sản xuất đến 07 năm: chu kỳ đầu là 30 tháng; chu kỳ định kỳ là 18 tháng Sản xuất trên 07 năm đến 12 năm: chu kỳ định kỳ là 12 tháng

- Sản xuất trên 12 năm: chu kỳ định kỳ là 06 tháng

2. Đối với ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải:

- Sản xuất đến 05 năm: có chu kỳ đầu là 24 tháng; chu kỳ định kỳ là 12 tháng

- Sản xuất trên 05 năm: có chu kỳ định kỳ là 06 tháng

- Có cải tạo: có chu kỳ đầu là 12 tháng, chu kỳ định kỳ là 06 tháng

3. Đối với ô tô chở người các loại trên 09 chỗ:

- Không cải tạo: có chu kỳ đầu là 18 tháng; chu kỳ định kỳ là 06 tháng

- Có cải tạo: có chu kỳ đầu là 12 tháng; chu kỳ định kỳ là 06 tháng

4. Đối với ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ mooc, sơ mi rơ mooc:

- Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất đến 07 năm; rơ mooc, sơ mu rơ mooc đã sản xuất đến 12 năm: có chu kỳ đầu là 24 tháng, chu kỳ định kỳ là 12 tháng

- Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất trên 07 năm; rơ mooc, sơ mi rơ mooc đã sản xuất trên 12 năm có chu kỳ định kỳ là 06 tháng

- Có cải tạo: Có chu kỳ đầu là 12 tháng; chu kỳ định kỳ là 06 tháng

5. Đối với ô tô chở người các loại trên 09 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 09 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 09 chỗ); ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng); ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên: có chu kỳ định kỳ là 03 tháng.

Việc quá hạn đăng kiểm xe ô tô sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó mức xử phạt đối với người điều khiển xe không phải chủ xe là:

- Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 04 triệu đồng đối với việc điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ mooc hoặc sơ mi rơ mooc được kéo theo) có Giấy chứng nhận hoặc tem đăng kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng

- Phạt tiền từ 04 triệu đồng đến 06 triệu đồng đối với việc điều khiển xe ô tô (bao gồm cả sơ mi rơ mooc và rơ mooc) có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên

Từ mức phạt của người lái xe nêu trên thì mức phạt của chủ xe theo quy định sẽ bị xử phạt gấp đôi. Nếu chủ xe đồng thời là người lái xe thì sẽ áp dụng mức phạt của chủ xe. Nếu chủ xe là tổ chức thì mức phạt sẽ lại được nhân đôi so với mức phạt chủ xe là cá nhân. Bên cạnh đó ngoài việc bị xử phạt tiền thì người vi phạm cũng bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung bao gồm: Bị tước giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Và nếu trong thời hạn bị tước giấy phép lái xe mà vẫn điều khiển xe lưu thông trên đường thì người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi không có giấy phép lái xe mà vẫn điều khiển xe theo quy định.

Muốn được đăng kiểm ô tô thì chúng ta cần phải nộp phí đăng kiểm và nếu xe đạt chất lượng thì cần phải đóng thêm lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Hiện nay thì lệ phí đăng kiểm và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm được quy định cụ thể tại Thông tư 238/2016/TT-BTC theo từng loại xe, tuy nhiên không phân biệt xe cũ hay xe mới, mức phí đăng kiểm đều như nhau.

Lệ phí đăng kiểm là chi phí để các cơ sở đăng kiểm hoạt động, bao gồm tiền vận hành máy móc, tiền cho các chuyên gia kiểm tra xe,... Nếu như không đóng lệ phí đăng kiểm thì việc đăng kiểm sẽ không thể tiến hành được. Và chính vì không thể tiến hành được hoạt động đăng kiểm bắt buộc theo quy định của nhà nước thì đến khi quá hạn, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt hành chính theo lỗi đăng kiểm xe ô tô quá hạn như đã phân tích ở trên.