Quy định pháp luật về nổ pháo ngày Tết

08:06 - 03/01/2023

Nếu tôi chỉ nổ pháo Tết trong khuôn khổ sân nhà mình thì có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì pháp luật xử lý hành vi này như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn An (Hà Nội) hỏi: Nếu tôi chỉ nổ pháo Tết trong khuôn khổ sân nhà mình thì có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì pháp luật xử lý hành vi này như thế nào?

Luật sư Luật sư Khúc Thị Quyên - Công ty Luật Tiền Phong - Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời: Đối với câu hỏi nổ pháo Tết trong nhà có bị vi phạm pháp luật không? Nghị định 137/2020/NĐ – CP quy định về quản lý, sử dụng pháo thì pháo hoa nổ (pháo nổ) được phép sử dụng trong các trường hợp:

Khoản 2 Điều 9: “Các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp”.

001a_14

Hình minh họa.

Điều 11: Tết Nguyên đán; Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày Quốc khánh; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Pháo hoa (pháo không nổ) được sử dụng khi đảm bảo những điều kiện quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP như sau:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.”

Như vậy, cá nhân chỉ được phép sử dụng pháo hoa (pháo không nổ) khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Nếu bạn mua pháo tại cơ sở được phép sản xuất thì không vi phạm pháp luật.

Về chế tài xử phạt vi phạm. Trường hợp bạn mua pháo tại cơ sở không được phép sản xuất theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính Điều 11 Nghị định144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b. Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

7. a, Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

Theo đó mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng.

Trên đây là phần trả lời của chuyên gia pháp lý về trường hợp của bạn. Mọi vấn đề pháp lý cần giải đáp, mời bạn đọc gửi về Tòa soạn theo địa chỉ email: toasoan@phapluatplus.vn