Quy định mới về nhập khẩu ôtô vì mục đích phi thương mại

14:03 - 29/07/2022

Tạp chí GTVT - Từ 10/9, trình tự thủ tục thông quan ôtô, xe gắn máy nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại có nhiều điểm mới và thêm chế tài xử lý vi phạm.

 

Tạp chí GTVT - Từ 10/9, trình tự thủ tục thông quan ôtô, xe gắn máy nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại có nhiều điểm mới và thêm chế tài xử lý vi phạm.

Ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại phải có giấy chứng nhận đăng kiểm mới được thông quan - Ảnh minh họa.

Ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại phải có giấy chứng nhận đăng kiểm mới được thông quan - Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 45/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 143/2015 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại; có hiệu lực thi hành từ 10/9/2022). Đáng chú ý là trình tự thủ tục và xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu ôtô, xe gắn máy thuộc diện trên có nhiều điểm mới.

Theo đó, hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện gồm các thành phần giấy tờ bản giấy hoặc nộp qua phương thức điện tử theo mẫu quy định (tờ khai, vận đơn hoặc chứng từ, giấy đăng ký kiểm định, giấy ủy quyền…).

Trình tự thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện được quy định cụ thể, chi tiết hơn và kèm theo các chế tài xử lý nếu vi phạm về quá thời hạn khai bổ sung xác định giá trị hải quan, vi phạm về bảo quản hàng hóa, thời hạn nộp giấy chứng nhận đăng kiểm...

Cụ thể, người làm thủ tục thực hiện khai hải quan tại Chi cục Hải quan qua hình thức điện tử hoặc trực tiếp và chịu trách nhiệm bảo quản xe tại địa điểm được phép đưa về bảo quản 30 ngày để chờ kết quả kiểm tra xe của cơ quan kiểm tra chuyên ngành (cơ quan đăng kiểm).

Trong 8 giờ làm việc kể từ thời điểm hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu đủ cơ sở xác định hàng kê khai chưa phù hợp thực tế, cơ quan hải quan ban hành thông báo giá trị hải quan. Sau đó, trong 5 ngày làm việc, nếu người kê khai không bổ sung, Hải quan ban hành quyết định ấn định thuế và xử lý vi phạm (nếu có).

Trường hợp được đưa hàng về bảo quản trong thời hạn 30 ngày, khi có kết quả đăng kiểm phương tiện, Chi cục Hải quan yêu cầu người kê khai bổ sung (nếu có) và thông qua hàng hóa.

Nếu quá 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản, người khai hải quan không làm tiếp thủ tục hoặc không chấp hành quy định về bảo quản hàng hóa thì Chi cục Hải quan kiểm tra việc bảo quản hàng. Nếu người khai hải quan không lưu giữ xe tại địa điểm đã đăng ký bảo quản thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chi cục Hải quan chỉ thông quan xe khi có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện nhập khẩu (đối với xe ô tô) và giấy kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy ) của cơ quan đăng kiểm.

Khi nhận được giấy chứng nhận đăng kiểm (bản điện tử, bản giấy), cơ quan Hải quan kiểm tra đối chiếu với thực tế. Trường hợp có sự khác biệt dẫn đến làm thay đổi trị giá hàng hóa thì cơ quan hải quan xác định lại trị giá hải quan và thông báo cho người khai thủ tục. Nếu người khai không kê khai bổ sung thì cơ quan hải quan ban hành quyết định ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, xử lý vi phạm (nếu có).

Trường hợp người khai hải quan nộp giấy chứng nhận đăng kiểm muộn quá 30 ngày (kể từ ngày đưa hàng về bảo quản), cơ quan hải quan tiến hành lập biên bản vi phạm. Nếu có lý do khách quan được cơ quan kiểm tra chuyên ngành (cơ quan đăng kiểm) xác nhận thì không lập biên bản vi phạm.

Trường hợp bị hải quan xử lý, sau khi người khai hải quan chấp hành quyết định xử lý, mới tiếp tục thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật.

 Đối tượng áp dụng của Thông tư số 45/2022 là người Việt Nam định cư tại nước ngoài, là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan nhà nước Việt Nam.

Chuyên gia nước ngoài tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam đảm bảo điều kiện được tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy quy định tại Quyết định số 119/2009 ngày 1/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Các đối tượng khác được nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại theo quy định của pháp luật có liên quan.

Cơ quan hải quan, công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận chuyển nhượng xe ôtô, xe gắn máy tạm nhập khẩu, nhập khẩu miễn thuế của các đối tượng quy định tại thông tư.

 

 

Huy Lộc