Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch sửa đổi

07:26 - 06/11/2024

Trong phiên buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Yên Bái nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: TTXVN phát)
Yên Bái nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 6/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc với các phiên thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Trong phiên buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đề cập về việc sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.” Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới./.

Nguồn: Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch sửa đổi | Vietnam+ (VietnamPlus)