Quảng Trị: Từ đổ nát chiến tranh đến khát vọng hòa bình

15:15 - 27/07/2024

Chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc nỗi đau chia cắt, Quảng Trị cũng là nơi cảm nhận trọn vẹn nhất khát vọng sống, hòa bình, độc lập và tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Mỗi ngày, Thành cổ Quảng Trị đón tiếp hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương, dâng hoa trong dịp 27/7. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Mỗi ngày, Thành cổ Quảng Trị đón tiếp hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương, dâng hoa trong dịp 27/7. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Trong kháng chiến, Quảng Trị là nơi chịu nhiều đau thương, mất mát. Thời bình, đất và người Quảng Trị đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành điểm đến của hòa bình và hữu nghị.

Là địa danh điển hình của quá trình hòa giải, hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh, với bạn bè quốc tế và khu vực, Quảng Trị sẽ luôn là biểu tượng của khát vọng hòa bình, chính nghĩa, đoàn kết hữu nghị và phát triển.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 (27/7/1947-27/7/2024), phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết chủ đề "Quảng Trị - Điểm đến của khát vọng hòa bình" để khẳng định những nỗ lực của Quảng Trị trong hành trình hàn gắn vết thương, xây dựng lòng tin, hòa bình

 

Bài 1: Tri ân và tôn vinh giá trị vĩnh cửu

Nằm ở “khúc ruột miền Trung,” có vị trí chiến lược quan trọng, Quảng Trị là mảnh đất đã trải qua bao thời gian khốc liệt với mưa bom bão đạn khủng khiếp.

Chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc nỗi đau chia cắt, Quảng Trị cũng là nơi cảm nhận trọn vẹn nhất khát vọng sống, hòa bình, độc lập và tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Từ đổ nát chiến tranh đến khát vọng hòa bình

Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng được xem là “chiến trường,” “trấn biên,” “phên dậu” và ba lần được chọn làm thủ phủ của đất nước.

Đặc biệt, Quảng Trị có hai dòng sông lịch sử Bến Hải và Thạch Hãn liên quan đến hai hiệp định về hòa bình là Hiệp định Geneve (1954), Hiệp định Paris (1973).

Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, mảnh đất 'lửa thép' này đã phải gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt. Nhưng chính ở mảnh đất này, con người càng mang khát khao hòa bình mãnh liệt nhất.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, chia sẻ hàng vạn người con thuộc nhiều thế hệ đã ngã xuống mảnh đất này vì hòa bình, độc lập dân tộc. Hiện nay, trên mảnh đất thiêng Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng vạn người con đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, độc lập của dân tộc, cùng là nơi có nhiều nghĩa trang an táng những người đã ngã xuống trong kháng chiến.

Mảnh đất này cũng gắn liền với các nhân vật lịch sử của dân tộc như chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên; vua Hàm Nghi, Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Đất lửa Quảng Trị đang từng ngày vun đắp cho vườn hoa hòa bình bởi đây vẫn muôn thuở vẫn là tiếng gọi thiết tha nhất của nhân loại.

Tiến sỹ Nguyễn Ái Học, Viện trưởng Viện Phát triển Công nghệ và Văn hóa-Giáo dục, cho rằng Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam. Từ thời Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi cho đến chiều dài lịch sử về sau, hương hồn của biết bao người dân, chiến sỹ hội tụ ở mảnh đất Quảng Trị với một khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất giang sơn.

Trong thông điệp gửi tới hội thảo quốc tế “Bài học về hòa bình, nhìn từ thực tiễn Việt Nam,” tại Quảng Trị ngày 22/7/2024, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ Quảng Trị là nơi thử thách quyết liệt nhất, trực tiếp nhất và cũng là lâu dài nhất sức mạnh của khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Quảng Trị xứng đáng là một biểu tượng hòa bình, là nơi cảnh tỉnh nhân loại về chiến tranh, là nơi vang tiếng chuông khát vọng vì hoà bình.

Nơi hàn gắn vết thương chiến tranh

Chịu nhiều mất mát đau thương nhưng Quảng Trị cũng là nơi chứng kiến sự hàn gắn thời hậu chiến mạnh mẽ nhất. Nơi đây đã và đang triển khai rất nhiều sáng kiến về hàn gắn, hòa giải, xây dựng lòng tin, xây dựng hòa bình.

Nhiều đoàn ngoại giao, cựu binh, du khách nước ngoài đã đến Quảng Trị, viếng Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 và các địa danh lịch sử.

Cuối năm 2023, khi đến dâng hương, tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), nơi an nghỉ của hơn một vạn liệt sỹ Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper chia sẻ: "Lần đầu tiên đến viếng nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia ở Việt Nam, tôi vô cùng xúc động bởi nơi đây gợi nhớ và nhắc chúng ta một thời kỳ lịch sử rất đau thương, những hy sinh to lớn của nhân dân hai nước. Khi tận mắt nhìn thấy nhiều phần mộ liệt sỹ ở đây, tôi hiểu được nỗi đau thương, mất mát mà thân nhân gia đình các liệt sỹ Việt Nam phải gánh chịu. Điều này thôi thúc chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa, hợp tác với Việt Nam chặt chẽ hơn nữa để khắc phục hậu quả chiến tranh."

quang_tri.jpg
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam thông tin có rất nhiều người bạn quốc tế đã chọn mảnh đất Quảng Trị để gởi gắm thông điệp về hòa bình. Rất nhiều sáng kiến về sự hàn gắn, hòa giải, xây dựng lòng tin, xây dựng hòa bình đã nảy nở hoặc liên quan đến mảnh đất này.

Bà Jerilyn Brusseau (một người Mỹ có em trai là phi công mất tại Quảng Trị) đã sáng lập ra tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam (PeaceTrees Vietnam). Tổ chức này đã gần 30 năm đồng hành với Quảng Trị trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo, là cầu nối hữu nghị giữa bạn bè quốc tế và người dân Quảng Trị.

Bà Jerilyn Brusseau chia sẻ em trai bà đã từng tham chiến ở Việt Nam và tử trận năm 1969 ở Quảng Trị. Đó là khoảng thời gian đau buồn nhất của gia đình bà, cũng giống như nỗi đau của các gia đình Việt Nam mất đi người thân. Từ đó, một ý niệm thôi thúc bà hãy đến Việt Nam và làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau do chiến tranh. Ngay sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, năm 1996 bà đã đến Việt Nam.

Tận mắt chứng kiến hậu quả chiến tranh hủy hoại mảnh đất, con người Việt Nam nên vợ chồng bà và mẹ bà đã quyết định thành lập tổ chức PeaceTrees Vietnam nhằm xoa dịu nỗi đau ở cả hai phía, làm cầu nối hữu nghị, tạo sự tin tưởng và cảm thông giữa nhân dân hai nước.

Quảng Trị hiện có quan hệ hợp tác với hơn 60 tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài để thực hiện các dự án rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, giáo dục, y tế và sinh kế cho người dân.

Trong 13 năm qua, bà Heidi Kuhn, Chủ tịch Tổ chức Roots of Peace (Gốc rễ của hòa bình) đã chọn Quảng Trị để biến những mảnh đất bị đạn bom cày xới năm xưa thành nông trại, vườn tiêu xanh tốt.

Ông Chuck Searcy (một cựu binh Mỹ) đã gắn bó với Quảng Trị hàng chục năm, sáng lập dự án Renew và bền bỉ với sứ mệnh rà phá bom mìn để trả lại an toàn cho mảnh đất này.

Suốt 12 năm qua, Tổ chức y tế hòa bình Hàn quốc (Medipeace) ngày đêm triển khai các chương trình chăm sóc y tế, phục hồi chức năng cho người khuyết tật ở Quảng Trị./.

Nguồn: Quảng Trị: Từ đổ nát chiến tranh đến khát vọng hòa bình | Vietnam+ (VietnamPlus)