Tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, nghề nuôi trồng thủy sản trên vịnh Bái Tử Long là sinh kế của hàng trăm hộ gia đình, tuy nhiên bên cạnh các hộ dân nuôi trồng trong vùng quy hoạch, vẫn còn hơn 100 hộ dân lấn chiếm luồng lạch nuôi trồng thủy sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường trên tuyến biển.
Song đáng nói là vi phạm của người dân kéo dài từ năm 2018, nhưng sau những lần xử phạt hành chính rồi lại tiếp tục được nuôi trồng, không khác gì xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa,” dẫn đến việc người dân “cố đấm ăn xôi,” sai hoàn sai, kéo theo nhiều hệ lụy.
Buông lỏng quản lý kéo theo các hệ lụy
Từ ngày 5/8 đến nay, thành phố Cẩm Phả triển khai thực hiện di dời các lồng bè, phao xốp lấn chiếm luồng lạch nuôi trồng thủy sản trái phép gây ô nhiễm môi trường trên tuyến biển.
Tính đến thời điểm này, thành phố đã thực hiện cắt gần 400 dây phao xốp, thu giữ gần 50 dây phao xốp và 125 mảng tre, với diện tích khoảng 5ha, lập biên bản 74 trường hợp vi phạm. Còn 24 hộ chưa di dời; trong đó có 13 hộ xin được tự khắc phục, 11 hộ phải cưỡng chế.
Trong quá trình các lực lượng chức năng xử lý đã vấp phải những phản ứng không đồng thuận từ phía ngư dân nuôi trồng thủy sản trái phép.
Ghi nhận 1 buổi thực hiện cưỡng chế dẹp bỏ các bè nuôi trái phép tại khu vực phía Nam hòn Cạp Vọ, phường Cẩm Trung (thành phố Cẩm Phả), nhiều hộ dân tập trung tại khu vực cưỡng chế với mong muốn được gia hạn thêm thời gian nuôi để thu hoạch lứa giống mới thả.
Vì theo lý giải các hộ dân, hiện nay họ đã vay mượn đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi con giống, với hy vọng sẽ có nguồn thu để trang trải các chi phí, nhất là khoản nợ do hơn 2 năm dịch COVID-19 phát sinh. Bởi hơn 2 năm qua các loại hàu, ngao, nhuyễn thể khác của ngư dân không bán được, hoặc bán với giá rất thấp, ngư dân bị thua lỗ nặng nề. Nếu thời điểm này cưỡng chế cắt bỏ các dây giống… sẽ thiệt hại hàng trăm, hàng tỷ đồng, ngư dân sẽ bị nợ nần chồng chất, cuộc sống rơi khó khăn, bế tắc.
[Chợ cá Bến Do, chợ đầu mối hải sản lớn nhất ở Cẩm Phả]
Đáng nói là từ năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều hộ dân vi phạm, mặc dù trong các quyết định đều yêu cầu hộ dân tháo dỡ, di dời công trình vi phạm song các hộ dân không chấp hành, cơ quan chức năng xử lý chưa kiên quyết nên đã dẫn đến câu chuyện ngư dân “cố đấm ăn xôi.” Hết mùa thu hoạch lại tiếp tục thả giống mới, đến khi bị cưỡng chế, thiệt hại nặng nề.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Cẩm Phả, có hai hệ lụy lớn nhất từ việc nuôi trồng trái phép trên tuyến biển là nuôi vào luồng lạch, ảnh hưởng luồng giao thông, nhất là khi có hộ nuôi vào tuyến đường thủy quốc gia, khiến tàu thuyền đi lại khó khăn khi vướng phải các dây neo, không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Mặt khác là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan, hệ sinh thái trên vịnh Bái Tử Long .
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương phải huy động nguồn nhân lực, vật lực, phương tiện để giải quyết hậu quả (cưỡng chế, thu hồi, tiêu hủy…) tốn kém chi phí, nhân lực…
Hệ lụy của việc buông lỏng quản lý nuôi trồng trên tuyến biển dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho cả người dân và ngân sách Nhà nước, sai phạm kéo dài, nhiều hộ dân đã “lỡ” đầu tư nguồn vốn lớn nhưng giờ khó có thể lấy lại được.
Khi “con voi chui lọt lỗ kim”
Việc 98 hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép, lấn chiếm luồng lạch, làm ảnh hưởng đến môi trường biển, mỹ quan trên vịnh Bái Tử Long đã tồn tại nhiều năm nay, song vẫn “qua mặt” được lực lượng chức năng, mà trực tiếp là Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường thành phố Cẩm Phả. Đặc biệt, mới đây thành phố Cẩm Phả giao cho các phường xã rà soát toàn diện mặt biển trên địa bàn của từng phường xã, phát hiện 69 hộ vi phạm nuôi ngoài vùng quy hoạch.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu với 167 hộ dân vi phạm vùng nuôi trồng kéo dài nhưng cơ quan chức năng không biết, và cho đến năm 2021 mới bị phát hiện và tiến hành xử phạt, yêu cầu tháo dỡ? Hay trước đó dù biết nhưng vì lý do đó nào đó lượng chức năng đã “phớt lờ” để người dân vi phạm hết lần này đến lần khác?
Một người dân nuôi trồng thủy sản trái phép bộc bạch, vì mưu sinh và để có nguồn trả nợ ngân hàng, trang trải cuộc sống nên cố nuôi, và mở rộng diện tích. Đến khi bị xử phạt vi phạm hành chính lần 1 họ vẫn tiếp tục được nuôi, sau đó lại xử phạt lần hai… do vậy họ nghĩ rằng sau khi đã xử phạt và nộp phạt họ sẽ tiếp tục được nuôi tiếp.
Ông Phan Văn Kính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả thông tin: “ Công tác quản lý Nhà nước được giao cho đơn vị chức năng là Đội kiểm tra trật tự và môi trường thành phố được giao xử lý vi phạm trong suốt từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên vẫn để các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép trên biển, đây là trách nhiệm của đơn vị được giao quản lý tuyến biển. Ban thường vụ thành phố có chủ trương xử lý dứt điểm sai phạm của các hộ dân. Đối với công tác quản lý nhà nước thành phố đang xem xét, kiểm tra xem có các dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm đối với cán bộ để xảy ra sai phạm.
Theo thành phố Cẩm Phả, tới đây để không tái diễn tình trạng nuôi trồng trái phép, thành phố giao cho đơn vị quản lý và chính quyền các xã quản lý chặt chẽ khu vực biển; có quyết định thành lập tổ kiểm trả kiểm soát tuyến biển, tạm giao Đồn Biên phòng phòng cửa khẩu cảng Cẩm Phả làm tổ trưởng, phối hợp với công an, ban chỉ huy quân sự, Đội kiểm tra trật tự và môi trường kiểm tra kiểm soát hàng ngày trên khu vực biển quản lý. Nếu phát hiện các họp nuôi phát sinh trái phép sẽ báo cáo thành phố, các cơ quan chức năng xử lý ngay, không để xảy ra tình trạng nuôi trồng trái phép thủy sản trên biển.
Theo kế hoạch, công tác cưỡng chế thu hồi sai phạm sẽ hoàn thành trong tháng 8/2022, tuy nhiên trong quá trình triển khai còn gặp phải một số khó khăn do phía người dân chưa đồng thuận và ảnh hưởng của bão số 3. Thường trực thành ủy thành phố Cẩm Phả yêu cầu: Ủy ban Nhân dân thành phố và các phường xã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa trong công tác di dời các lồng bè, phao xốp lấn chiếm luồng lạch nuôi trồng thủy sản trái phép gây ô nhiễm môi trường biển, mục tiêu đến 31/8/2022 hoàn thành.
Đối với 69 hộ mới phát hiện thành phố Cẩm Phả sẽ tiến hành quy trình các bước để yêu cầu các hỗ dân nộp phạt vi phạm hành chính và tháo dỡ, khắc phục hậu quả, nếu không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế, lập lại trật tự trên tuyến biển do thành phố quản lý./.