Quảng Ninh: Hồi sinh cho những cánh rừng chết sau bão số 3

14:44 - 17/10/2024

Hiện các địa phương ở Quảng Ninh lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, đảm bảo chậm nhất đến năm 2027 phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng như trước khi xảy ra bão số 3.

Các vườn ươm tập trung phải thuê thêm nhân công, tăng thời gian làm việc để khẩn trương ươm số lượng lớn cây keo giống đảm bảo cho mùa trồng rừng tới. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Các vườn ươm tập trung phải thuê thêm nhân công, tăng thời gian làm việc để khẩn trương ươm số lượng lớn cây keo giống đảm bảo cho mùa trồng rừng tới. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Chỉ khoảng 4 giờ đổ bộ vào Quảng Ninh vào ngày 7/9, cơn bão số 3 khiến trên 119.000 ha rừng ở nhiều huyện, thành phố, thị xã bị thiệt hại, tan hoang, tương đương với giá trị thiệt hại về kinh tế lâm nghiệp là gần 6.500 tỷ đồng.

Cơn bão khiến cho nhiều người dân trước đó còn vui mừng vì sắp đến ngày được thu hoạch, thì sau bão gần như trắng tay, thứ họ nhận về là ngổn ngang những cánh rừng xơ xác, những bãi củi lớn khó tận thu.

Sau hơn 1 tháng cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp đã đi qua, song những hệ lụy, nguy cơ mà nó để lại vẫn đang hiện hữu.

Câu chuyện “hồi sinh” cho những cánh rừng “chết” đang là vấn đề bức thiết đặt ra cho tỉnh Quảng Ninh.

Rừng xanh bỗng thành rừng “chết”

Đi dọc tuyến Tỉnh lộ 234, Quốc lộ 279, quốc lộ 18, trải dài từ thành phố Hạ Long đi huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu đâu đâu cũng nhìn thấy sự hoang tàn của những cánh rừng đang “chết mòn” sau siêu bão số 3.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, đến hết tháng 9/2024, tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 119.000 ha (mức thiệt hại từ 30-100%, phần lớn diện tích không có khả năng phục hồi), trong đó diện tích rừng trồng là trên 112.400 ha, diện tích rừng tự nhiên là trên 6.600ha.

TTXVN_1610 trong rung Quang Ninh 2.jpg
Người dân huyện Ba Chẽ khẩn trương tận thu lâm sản, dọn dẹp rừng bị bão số 3 tàn phá. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tổng số hộ gia đình bị thiệt hại 22.390 hộ, bao gồm các hộ gia đình được giao đất, giao rừng và các hộ được giao khoán trồng rừng của các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thành phố Hạ Long là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề ở mọi mặt do cơn bão số 3, riêng lĩnh vực lâm nghiệp ước thiệt hại khoảng 1.155 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là rừng trồng với trên 22.800/37.000ha, tương đương với khoảng 1.140 tỷ đồng; rừng đặc dụng bị thiệt hại 50 ha, giá trị khoảng 15 tỷ đồng.

Là một trong số các hộ có diện tích rừng khá lớn tại xã Tân Dân, thành phố Hạ Long, ông Trinh Hồng Quyết (63 tuổi), người dân tộc Dao ở thôn Khe Đồng cho biết, gia đình ông có tổng khoảng 30ha rừng; trong đó có 14 ha rừng trồng chủ yếu là keo và bạch đàn từ 2-3 năm tuổi, những tưởng đã đi qua được một nửa chặng đường đợi ngày thu hoạch thì cơn bão số 3 vừa qua đã gần như bẻ gãy hết, cả khu rừng xanh giờ chỉ còn lại ngổn ngang thân cây đổ rạp, bật gốc, xót xa không nguôi, nhưng “trời làm” thì phải chịu.

Ông Quyết cho biết hiện nay tìm thuê người đi phát dọn rất khó, vì người dân ở đây nhà nào cũng phải đi dọn rừng của họ, tiền công thì cao hơn trước.

Trước đây chỉ khoảng 200.000 đồng/ngày công thì giờ phải từ 300.000-350.000 đồng nhưng vẫn không có người làm, vì dọn rừng bị gãy đổ vừa khó di chuyển, vừa mệt hơn lúc thu gỗ bình thường. Mặt khác hiện nay giá thu mua gỗ rừng tận thu thấp, có đơn vị thu mua còn ép giá người dân vì lượng cây đổ quá nhiều. Nếu tính ra các khoản chi phí thì người trồng rừng bị thiệt đơn thiệt kép, không còn nguồn thu nhập.

Nỗi trăn trở của ông Quyết và hàng chục nghìn hộ dân bị mất rừng sau bão là cây giống để tái trồng rừng, bởi không chỉ giá cây giống bị đội lên gấp nhiều lần mà nguồn cung hiện tại không đủ, khó để mua được cây giống.

Ông Quyết đề xuất tỉnh có ý kiến để các đơn vị thu mua không ép giá khi mua gỗ tận thu rừng của người dân và tìm nguồn cung cây giống có giá ổn định, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người trồng rừng tái khôi phục sản xuất.

Cũng như ông Quyết, hiện nay trong tỉnh Quảng Ninh, hàng chục nghìn chủ rừng chỉ sau cơn bão số 3 bỗng trở nên trắng tay, nhiều người nợ chồng nợ. Những cánh rừng từng chứa đựng bao nhiêu niềm hy vọng về tương lai, về nguồn thu chính giờ chỉ còn là ký ức, hiện thực là bộn bề lo toan để tái hồi sinh những cánh rừng.

Những hệ lụy từ “rừng chết”

Ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh, rừng là một trong những nguồn thu chính, tạo công ăn việc làm cho người dân dân địa phương, tuy nhiên với thiệt hại vừa qua, nguy cơ nhiều người dân sẽ mất kế sinh nhai. Trong tương lai gần sẽ bị thiếu hụt nguồn gỗ từ keo, bạch đàn cung cấp cho thị trường nội tỉnh và các địa phương lân cận.

Anh Phạm Văn Hùng (sinh năm 1978) ở thôn Nà Sắn xã Bản Sen, huyện Vân Đồn buồn bã cho biết, cơn bão số 3 vừa qua gia đình anh thiệt hại khoảng gần 2 tỷ đồng cả trên rừng và dưới biển.

Với gia đình anh đó là cả cơ nghiệp, nhưng giờ đã mất hết, 17ha rừng từ 2 năm tuổi của anh gần như bị bão số 3 “xóa sổ”, bây giờ phải làm lại từ đầu. Anh Hùng suy nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người xấu số, mình mất của nhưng còn người thì có thể làm lại được, song rất cần được sự quan tâm, chính sách hỗ trợ phù hợp để anh cùng nhiều hộ dân khác tái phục hồi.

Anh Hùng cho biết trước mắt sẽ dọn dẹp rừng để đến mùa xuân tới sẽ tái trồng cây. Tuy nhiên anh lo lắng trong khoảng 5 năm tới nhiều người dân sẽ bị giảm rất nhiều nguồn thu từ rừng, thậm chí là không có vì làm gì có rừng để thu và còn phải bỏ ra một khoản lớn để đầu tư lại, kế sinh nhai sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Mặt khác anh Hùng chia sẻ trước gia đình anh vay 300 triệu đồng vốn ngân hàng, giờ chưa biết nhìn vào đâu để có nguồn trả, nên rất khó để vay tiếp, chỉ hy vọng vay mượn được từ người thân, bạn bè để làm lại, nhưng cũng rất khó khăn. Bão số 3 lấy đi của người dân nhiều quá, chỉ để lại cho họ chồng chất nợ nần và nỗi đau.

Nhiều người dân còn lo lắng về nguy cơ tái nghèo, cận nghèo. Điển hình như bà Trần Thị Vũ (81 tuổi), Thôn Hà Tràng Tây xã Đông Hải, Tiên Yên trước bão không phải hộ nghèo, nhưng sau bão số 3, rừng thì gãy đổ, nhà cửa, tài sản phần bị nước ngập cuốn trôi hoặc còn thì hư hỏng nặng.

Mặc dù tuổi cao nhưng vẫn phải lao động cần cù mỗi ngày để lo cuộc sống cho một người con trai bị bệnh. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” bà vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Sau bão mẹ con bà được cứu trợ 20 kg gạo, 1 thùng mỳ và 1 thùng sữa, để đảm bảo lương thực sau những ngày bão, mẹ con bà ngày ăn hai bữa cháo, một bữa cơm. Đáng quý bà Vũ vẫn tự động viên mình còn người là mừng rồi, thiên tai gây ra thì phải chấp nhận.

Có thể thấy hệ lụy trước mắt mà bão số 3 gây ra là thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng môi trường, độ che phủ rừng, chất lượng nguồn nước, kế sinh nhai của người dân, cháy rừng thực bì ở nhiều địa phương. Người trồng rừng, doanh nghiệp lâm nghiệp Quảng Ninh nặng trĩu những nỗi lo đứt lứa keo năm này, năm sau, năm sau nữa…

Người sống dựa vào rừng không có việc làm, đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Các doanh nghiệp lâm nghiệp thì không có nguồn thu trong vài năm tới, lấy gì để bố trí công việc cho người lao động, bố trí tài chính để trả lương và nộp bảo hiểm xã hội.

TTXVN_1610 trong rung Quang Ninh 3.jpg
Hai cán bộ phường Hồng Hà (TP Hạ Long) trong quá trình đi kiểm tra các điểm cháy rừng thực bì đã phát hiện và kịp thời dập tắt nguồn lửa đang cháy âm ỉ trong thân cây đã cháy trước đó. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Ngành lâm nghiệp Quảng Ninh rơi vào tình cảnh đứt một lứa keo, nghĩa là trong vòng vài năm tới, ngành sản xuất và chế biến gỗ sẽ thiếu nguồn cung trầm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh thông tin, về lâu dài là an ninh nguồn nước, sạt lở đất, an toàn hồ đập, tác động đến hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn cung từ keo, bạch đàn, thông…, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống của cộng đồng, nhân dân; đến mục tiêu tăng trưởng và mức thu nhập bình quân đầu người của địa phương này, cùng với đó là nhiều hệ lụy hữu hình, vô hình khác mà chưa chưa thể đo, đếm.

Mặt khác, hiện có khoảng 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy từ cây rừng bị gãy đổ vẫn đang hiện hữu, nguy cơ cháy rừng trong mùa hanh khô rất cao. Chỉ tính từ ngày 28/9 đến ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy các rừng thực bì. Diện tích cháy chủ yếu là cây bạch đàn, keo, là các diện tích đã bị bão số 3 tàn phá.

Sau bão, câu chuyện tái thiết lại nền kinh tế, khôi phục toàn diện các lĩnh vực được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu, trong đó “hồi sinh” diện tích rừng, “lá phổi xanh” của vùng Đông Bắc được địa phương này xác định là nhiệm vụ cấp bách.

Khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân

Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất, kinh doanh bằng nghề rừng trên địa bàn tỉnh, ngày 1/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được hoàn thành trước ngày 31/10/2024.

Các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại; dọn dẹp vệ sinh đảm bảo lưu thông tuyến đường vận chuyển lâm sản.

Sau khi Ủy ban Nhân dân có chỉ đạo, các địa phương bị thiệt hại về rừng đã triển khai đến các phòng, ban, đoàn thể ra quân cùng nhân dân dọn rừng. Các lực lượng này tập trung giúp các hộ cá nhân dọn dẹp, tận thu vào các ngày cuối tuần. Đối với các công ty lâm nghiệp vẫn duy trì công nhân dọn dẹp mỗi ngày.

Chị Hoàng Mai Dung người dân thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đang khẩn trương thu dọn, tận thu diện tích 6ha rừng của gia đình bị gãy đổ trong bão buồn bã cho biết, cả gia đình nhìn vào lứa rừng này, cứ nghĩ sắp có tiền trả nợ ngân hàng, sửa sang lại nhà cửa, trang trải cuộc sống, thế mà chỉ mấy tiếng bão vào họ chẳng còn gì cả.

TTXVN_1610 trong rung Quang Ninh 4.jpg
Sau bão, nhiều diện tích rừng đã ngã đổ đối mặt với nguy cơ cháy, cây gỗ tận thu chỉ có thể làm củi. (Ảnh: Thanh Vân/ TTXVN)

Bây giờ đi tận thu không được bao nhiêu mà giá thu mua thì thấp, xót xa, đau lắm mà không biết kêu ai, trong khi tiền hỗ trợ thì không đáng kể, chị Dung và nhiều hộ dân khác mong muốn tới đây nhà nước nâng mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân.Hiện nay theo Nghị định 02/2017-NĐ-CP ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quy định đối với diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh có Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Với những hộ dân có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 3ha trở lên sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha và 400.000 đồng/ha tùy thuộc trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh hỗ trợ người trồng rừng khắc phục thiệt hại sau bão số 3 từ nguồn vốn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Cụ thể sẽ hỗ trợ dọn vệ sinh môi trường đối với diện tích rừng bị thiệt hại trên 30% là 1 triệu đồng/ha. Dự kiến kinh phí hỗ trợ đợt 1 trên 77,5 tỷ đồng.

Từng bước “chữa lành lá phổi xanh”

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh không chỉ tái thiết riêng cho một lĩnh vực mà phải xây dựng Đề án tái thiết tổng thể sau bão số 3. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định rừng không chỉ che chở, bảo vệ con người trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại sinh kế, làm giàu cho người dân.

Rừng còn đóng vai trò đảm bảo an ninh nguồn nước, biên giới, gắn với đời sống, sinh hoạt truyền thống của nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh Vũ Duy Văn cho biết hiện các địa phương lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, đảm bảo chậm nhất đến năm 2027 phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng như trước khi xảy ra bão số 3.

Để hồi sinh những cánh rừng chết sau bão số 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan xây dựng đề án phát triển rừng sau bão số 3.

Theo ông Vũ Duy Văn, diện tích thiệt hại do bão số 3 có thể bằng 8 lần so với diện tích trồng hàng năm của tỉnh, để khôi phục lại mất rất nhiều thời gian.

Liên quan đến trăn trở của người dân về giống cây trồng lại rừng, ông Vũ Duy Văn thông tin, trung bình các cơ sở trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất được trên 100 triệu cây giống/năm.

Để có nguồn cây giống tốt trong vụ tới, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương hướng dẫn hộ dân ươm, gieo cây giống, đặc biệt là những cơ sở ươm giống tập trung, để xác định những loại cây, hạt có nguồn gốc chất lượng tốt, đồng thời rà soát trên địa bàn tỉnh để tăng tối đa công suất sản xuất giống của các cơ sở gieo ươm giống.

Sở đã liên hệ với Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các cơ sở của các tỉnh lân cận để có giải pháp giúp người dân tiếp cận nguồn giống tốt, không xảy ra tình trạng thiếu cây giống.

Ông Vũ Duy Văn cho biết ngành nông nghiệp đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án tái thiết, phát triển lâm nghiệp. Tỉnh sẽ không trồng những cây rừng lớn nhanh mà tập trung vào cây gỗ lâu năm, cây gỗ bản địa. Đồng thời có định hướng chuyển đổi cơ cấu lại các loại cây trồng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại từng khu vực; ưu tiên trồng cây đa tác dụng, có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường và các điều kiện sống.

Để đảm bảo cuộc sống người trồng rừng và "lấy ngắn nuôi dài", các địa phương sớm định hướng cho chủ rừng lựa chọn loại cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn làm động lực, kết hợp trồng lại rừng bằng cây bản địa, cây gỗ lớn. Ví dụ cây tre với nhiều đặc tính phù hợp, giá trị kinh tế cao, vừa cho thu hoạch măng vừa là nguyên liệu chế biến các sản phẩm phục vụ đời sống đang được hướng đến.

Ngay sau bão, tỉnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để ngành lâm nghiệp khắc phục thiệt hại như thực hiện thống kê, báo cáo Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch lại 3 loại rừng; kết nối các đơn vị công nghệ, phát triển rừng để tìm hiểu, nghiên cứu, bàn giải pháp tái cơ cấu loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp, làm việc với các ngân hàng để khoanh, hoãn, giãn nợ, các chính sách ưu đãi để tái đầu tư, khôi phục sản xuất, đảm bảo trồng lại rừng cho kịp mùa vụ.

Ngày 10/7/2024, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó tỉnh hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống và công chăm sóc (cao hơn 5 triệu đồng/ha so với quy định chung của cả nước); hỗ trợ 400.000 đồng/ha chi phí lập phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng.

Nhà nước cấp ngân sách với mức tối đa 20 triệu đồng/ha để đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân trồng rừng gỗ lớn.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với thành viên thuộc tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân: Mức cho vay theo phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng được phê duyệt nhưng không quá 30 triệu đồng/ha.

Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ; thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm. Trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc./.

Nguồn: Quảng Ninh: Hồi sinh cho những cánh rừng chết sau bão số 3 | Vietnam+ (VietnamPlus)