Quảng Ninh điều phối xăng dầu phục vụ dân sinh và thi công hạ tầng
12:53 - 08/11/2022
Nhiều doanh nghiệp khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh bắt đầu than phiền về tình trạng thiếu dầu cho các thiết bị thi công các dự án hạ tầng giao thông bởi các cây xăng dầu bán ra có hạn mức nhất định.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn N. cho hay từ tối 6/11, đơn vị này phải bố trí riêng một nhân viên đi thu gom lẻ từng phi dầu ở các cây xăng dầu khắp các huyện miền Đông mới kỳ vọng đủ dầu phục vụ cho gần 100 xe lu, máy xúc của các dự án đang thực hiện.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn N. cho hay dự án của công ty đang thi công ở huyện Đầm Hà, nhưng công ty phải đưa phương tiện chạy vào huyện Ba Chẽ cách đấy hơn 40 km để mua dầu.
Giờ đây, mỗi cây xăng dầu chỉ bán ra không quá 500 lít dầu/lượt người (tương đương khoảng 2,5 phi). Như vậy, người của công ty N. phải đi tới 5-6 cây xăng trải dài qua 3 huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ mới kỳ vọng đủ lượng dầu phục vụ thi công các dự án hạ tầng giao thông.
Trước đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn N. thường ký hợp đồng với 3 đại lý cung ứng dầu tại công trường thi công, song thời gian gần đây, do tỷ lệ chiết khấu dầu thấp, thậm chí bằng 0, nên các đại lý đã dừng cung ứng nên phía công ty phải đi mua lẻ ở các cây xăng, dầu.
Cùng cảnh ngộ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn T.D, với nhu cầu mỗi ngày tiêu thụ khoảng 5.000 lít dầu cho các phương tiện thi công hạ tầng giao thông, giờ đây, phía công ty này cũng phải cử người đi thu gom dầu ở từng cây xăng dầu khắp các địa bàn miền Đông của tỉnh Quảng Ninh.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn T.D phản ánh, mấy tuần nay, tình hình dầu bắt đầu khan hiếm, căng thẳng gây khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện thi công các dự án hạ tầng giao thông.
Do có nhiều nguồn đại lý cấp từ trước, nên phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn T.D được ưu tiên hơn, mỗi cây xăng dầu giờ cũng cấp cho công ty mỗi ngày khoảng 1.000 lít, nên doanh nghiệp này hiện vẫn gom được lượng dầu tối thiểu để duy trì thi công các dự án.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hiền khẳng định, việc cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh về cơ bản vẫn được đảm bảo, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Quảng Ninh là địa phương thực hiện tốt trong việc cung ứng xăng, dầu cho người dân và các hộ kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh có chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến các địa phương, phía Sở Công Thương có có văn bản chỉ đạo vào cuộc sát sao nắm bắt tình hình kinh doanh, cung ứng xăng dầu từng địa phương, từng cửa hàng.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh thừa nhận, trong bối cảnh nguồn cung xăng, dầu cả nước còn gặp khó nên việc kinh doanh xăng dầu ở các cửa hàng đang phải điều phối.
[Đảm bảo nguồn cung xăng dầu: Chính sách cần sát thực tế]
Trước đây, để phục vụ sản xuất, một doanh nghiệp sản xuất mua được 5.000-10.000 lít, nhưng bây giờ không thể mua được lượng lớn như vậy bởi các cửa hàng kinh doanh không đủ lượng nên phải điều phối xăng, dầu hài hòa để vừa đảm bảo cung cấp cho dân sinh vừa đảm bảo cho hoạt động sản xuất.
Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu vẫn đang hoạt động cung ứng hàng hóa cho nhu cầu trong tỉnh (ngoại trừ 1 trường hợp ở Tiên Yên tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về vốn kinh doanh).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thoại khẳng định, lực lượng quản lý thị trường vẫn giám sát, theo dõi sát sao việc kinh doanh của các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn. Đến thời điểm này, các cửa hàng vẫn bán bình thường, trừ trường hợp, có hôm do cửa hàng có nguồn hàng ít, cửa hàng phải bán ở mức hạn chế.
Ông Thoại nói thêm trường hợp do lượng xăng, dầu trong kho của các cửa hàng bị khan hiếm nên các cửa hàng sẽ chủ động điều phối, hạn chế mức bán ra cho mỗi khách hàng để đảm bảo duy trì hoạt động, chờ hàng mới cung ứng đến kho.
Lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể xử lý đối với các cửa hàng dừng bán cho khách, không xử lý được đối với đối với các cửa hàng bán xăng dầu có hạn mức do khan nguồn hàng.
Đại diện bên cung ứng Công ty Xăng dầu B12 cho hay đơn vị luôn đảm bảo nguồn cung cho các cửa hàng bán lẻ theo đúng hợp đồng được ký kết từ trước đó. Tuy nhiên, thực tế mỗi khi thị trường xăng dầu khan hiếm, khách hàng sẽ đổ dồn sang mua ở các cửa hàng do Công ty B12 cung ứng sẽ tạo ra sự khan hiếm, nên các cửa hàng thường phải thực hiện điều phối sao cho phù hợp.
Đại diện Công ty Xăng dầu B12 khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nhu cầu về dầu nên chủ động ký hợp đồng với các đầu mối để có nguồn cung đảm bảo cả về lượng và chất, không bị động mỗi khi thị trường xăng dầu gặp khó.
Hơn nữa, trong bối cảnh nguồn cung gặp khó, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với sự điều phối của các đại lý xăng, dầu để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các khách hàng.
Trước đó hồi đầu tháng Tư, để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch 110/UBND-KH, theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn.
Sở Công Thương có nhiệm vụ chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo tình hình, chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị không để bị động trước các tình huống, diễn biến của xăng dầu, đảm bảo phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dự trữ và cung ứng xăng, dầu; thực hiện đình chỉ, thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngừng, hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm sai phạm trong việc dự trữ, cung ứng xăng dầu, không để khan hiếm, đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Mới đây, ngày 2/11, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản 3493/CT-QLTM1 đề nghị Cục Quản lý thị trường, Ủy ban Nhân dân các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, đảm bảo việc bán hàng không bị gián đoạn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị không để bị động trước những diễn biến do giá xăng dầu thế giới.
Giám đốc Sở Công Thương thông tin dự kiến ngày 9/11 tới, sở này sẽ làm việc với các đầu mối cung ứng xăng, dầu trên địa bàn để đảm bảo đủ nguồn cung ứng hàng hóa cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng trong sinh hoạt của người dân trên địa bàn./.