Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng thiệt hại hàng chục ha rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện phát động đợt cao điểm thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh, phải hoàn thành trước ngày 31/10.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại 120.000 ha rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (chiếm hơn 70% tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên cả nước do bão số 3 gây ra).
Ước thiệt hại về lĩnh vực lâm nghiệp trên 6.400 tỷ đồng với tổng số hộ gia đình bị thiệt hại lên tới trên 22.000 hộ, gồm các gia đình được giao đất, giao rừng và các hộ được giao khoán trồng rừng của các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong khi rừng bị thiệt hại do bão chưa kịp khắc phục thì liên tiếp trong khoảng thời gian từ 28/9 đến 4/10, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng ở các xã Minh Châu, Quan Lạn, Thắng Lợi của huyện Vân Đồn và phường Hồng Hà, Hà Trung của thành phố Hạ Long cho thấy yếu tố rủi ro cao nhất sau bão trong lĩnh vực lâm nghiệp là cháy rừng.
Diện tích cháy là những cây rừng đã bị gãy, đổ do bão số 3, gặp thời tiết khô hanh, nên khi gió to ngọn lửa bùng cháy nhanh hơn và lan rộng khó khống chế. Mặt khác, một lượng lớn cây cối gãy đổ, đường vào hẹp, dốc đã khiến việc di chuyển của lực lượng chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Để khẩn trương, kịp thời khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất, kinh doanh bằng nghề rừng trên địa bàn tỉnh, ngày 1/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được hoàn thành trước ngày 31/10/2024.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, các địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại; dọn dẹp vệ sinh đảm bảo lưu thông tuyến đường vận xuất, vận chuyển lâm sản.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nghiêm Xuân Cường chỉ đạo, các địa phương và đơn vị cần lập kế hoạch chi tiết, khẩn trương thiết kế các đường băng cản lửa để chống cháy lan.
Đồng thời phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ." Địa phương nào lực lượng mỏng, diện tích xử lý nhiều phải khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, báo cáo tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tăng cường lực lượng chi viện cho công tác triển khai.
Việc tổ chức triển khai đợt cao điểm sẽ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, bố trí phân bổ lực lượng đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tế với từng địa bàn.
Quá trình triển khai, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng cháy và chữa cháy cho các hộ dân, nhất là những hộ dân sinh sống gần rừng. Nếu địa phương nào để xảy ra những vụ cháy lớn mà không báo cáo kịp thời về tỉnh thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương cần phải giữ nguyên hiện trạng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng trồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định./.
Nguồn: Quảng Ninh: Cháy rừng là yếu tố rủi ro cao nhất về lâm nghiệp sau bão số 3 | Vietnam+ (VietnamPlus)