Quảng Nam xin dừng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23, Bộ GTVT nói gì?

07:05 - 03/01/2024

Trước những khó khăn, vướng mắc khi duy trì hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, UBND tỉnh Quảng Nam đã có đề nghị phương án dừng hoạt động của Trạm KTTTX lưu động số 23. Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị Quảng Nam rà soát, cân đối, tổ chức lại hoạt động của trạm này.

Quảng Nam xin dừng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23, Bộ GTVT nói gì?- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng đối với phương tiện có dấu hiệu chở hàng quá tải trên QL14H

Theo nội dung văn bản đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Nam về công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại Trạm KTTTX lưu động, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện hoạt động của trạm đạt nhiều kết quả tốt.

Công tác tuần tra, kiểm soát đạt hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tăng lên, các vi phạm về tải trọng, cơi nới kích thước thành, thùng hàng được phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng vi phạm quá tải trọng giảm mạnh. 

Tuy nhiên, về mô hình tổ chức của Trạm KTTTX có nhiều khó khăn. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Trạm KTTTX lưu động là mô hình tổ chức và biên chế. Khi mới được thành lập, Trạm KTTTX lưu động có sự phối hợp liên ngành nhưng từ năm 2016 đến nay chỉ có sự tham gia của lực lượng Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam và hợp đồng lao động. 

Trạm KTTTX không thống nhất mô hình hoạt động trên phạm vi cả nước. Ở Quảng Nam, tổ chức này được giao cho Thanh tra Sở GTVT quản lý, có sử dụng 6 hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, Trạm KTTTX chưa được phân bổ biên chế công chức, chưa phải là tổ chức thuộc Thanh tra Sở GTVT, gây khó khăn về quản lý kinh phí, con người. 

Quảng Nam xin dừng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23, Bộ GTVT nói gì?- Ảnh 2.

Trạm KTTTX số 23 hoạt động trên tuyến QL14B qua huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Để đảm bảo hoạt động đúng theo quy định pháp luật về mô hình hoạt động của Trạm KTTTX lưu động trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất 2 phương án. 

Cụ thể, phương án 1, sử dụng công chức để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay, Sở GTVT Quảng Nam được giao 56 biên chế, Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam được giao 21 biên chế, phải thực hiện 15 nhiệm vụ được giao (bao gồm cả nhiệm vụ của Cảng vụ Đường thủy nội địa). Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trên 21 tuyến đường tỉnh, chiều dài 533 km; 11 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài 203 km; Bộ GTVT ủy thác quản lý 6 tuyến quốc lộ chiều dài 423 km và tiến hành nhiều cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác,…Do đó, để thực hiện được hết các chức năng, nhiệm vụ được giao, công chức Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ngoài giờ mới cơ bản đáp ứng nhiệm vụ nên không thể bố trí công chức làm việc tại Trạm KTTTX.

Muốn tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm KTTTX, UBND tỉnh Quảng Nam phải bổ sung 6 biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ vận hành thiết bị (thay cho nhân viên hợp đồng) và cấp kinh phí giải quyết chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với 6 nhân viên Trạm KTTTX hiện nay. Đồng thời, tiếp tục giao Sở GTVT Quảng Nam quản lý, sử dụng Trạm KTTTX lưu động theo quy định tại Điều 7 và khoản 3 Điều 12 Thông tư số 34 ngày 16/12/2021 của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, hiện nay quỹ biên chế dự phòng của tỉnh Quảng Nam hiện có 4 biên chế. Mặt khác, theo chủ trương của Trung ương, đến năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế công chức trên toàn tỉnh (tương đương 158 biên chế). Tỉnh Quảng Nam không đủ biên chế công chức để bổ sung cho Sở GTVT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Trạm KTTTX.

Quảng Nam xin dừng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23, Bộ GTVT nói gì?- Ảnh 3.

Tổ thanh tra chuyên ngành Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam kiểm tra tải trọng xe trên tuyến QL14H qua huyện Duy Xuyên

Còn đối với phương án 2 là dừng hoạt động của Trạm KTTTX lưu động, bàn giao tài sản về Cục Đường bộ Việt Nam quản lý và sử dụng. Theo đó, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện các thủ tục cho phép dừng hoạt động Trạm KTTTX lưu động, UBND tỉnh Quảng Nam cấp kinh phí để giải quyết chế độ thôi việc cho người lao động và đề nghị giao tài sản Trạm KTTTX cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Sau khi xem xét tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam quan tâm thực hiện các thủ tục dừng hoạt động của Trạm KTTTX lưu động số 23, tiếp nhận bàn giao tài sản, phương tiện đã bàn giao cho UBND tỉnh Quảng Nam hoặc tiếp tục giao cho tỉnh Quảng Nam để sử dụng, thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường địa phương, chấm dứt việc thực hiện Quy chế phối hợp số 67/QCPH-BGTVT-UBND ngày 24/01/2014 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Nam về công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại Trạm KTTTX lưu động.

Ngày 27/12/2023, phản hồi thông tin đề nghị của tỉnh Quảng Nam, Bộ GTVT cho biết, Trạm KTTTX lưu động số 23 đã được Bộ Tài chính điều chuyển tài sản cho UBND tỉnh Quảng Nam quản lý, sử dụng để thực hiện công tác KTTTX trên địa bàn. Do đó, việc quản lý, sử dụng tài sản Trạm KTTTX lưu động số 23 thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam.

Để tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trong phương tiện, nhằm đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ra soát, cân đối bố trí nhân lực, kinh phí để kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Trạm KTTTX lưu động số 23 theo quy định tại Thông tư số 34 ngày 16/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm ATGT trên địa bàn.

Nguồn: Quảng Nam xin dừng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23, Bộ GTVT nói gì? | Tạp chí Giao thông vận tải (tapchigiaothong.vn)