Bài 2: ‘Soi’ vào Đề cương về văn hóa để bồi đắp ‘căn cước Việt Nam’
Kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, 80 năm đã trôi qua. Trong suốt thời gian ấy, nền văn hóa dân tộc đã có những sự vận động, phát triển cùng với sự phát triển của đất nước. Soi chiếu trong bối cảnh hiện nay, bản cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa chỉ 1.500 chữ đã đúc kết nên những nội hàm có giá trị thực tiễn và vẹn nguyên tính thời sự.
Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về giá trị của bản Đề cương đối với công tác quảng bá văn hóa Việt Nam.
Dệt bản sắc từ cương lĩnh văn hóa
- Thưa Cục trưởng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt nền móng cho cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, nội dung tư tưởng của Đề cương có ý nghĩa như thế nào đối với công tác quảng bá văn hóa Việt Nam?
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã nêu rõ 3 nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa.”
Những nguyên tắc này hết sức ý nghĩa trong công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, phát huy sức mạnh mềm quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Về nguyên tắc “Dân tộc hóa,” những nét truyền thống, đặc sắc của nền văn hóa nghệ thuật dân tộc là các yếu tố dệt nên bản sắc, là điều khiến cho mỗi con người biết mình là ai, đến từ đâu, gắn kết và thuộc về cộng đồng nào. Bản sắc dân tộc chính là căn cước của nền văn hóa quốc gia, thấm đẫm trong nội dung và hình thức thể hiện, xác lập một vị thế riêng không bị trộn lẫn, hòa tan trong thế giới phẳng toàn cầu.
“Đại chúng hóa” là xây dựng một nền văn hóa vì nhân dân, của nhân dân, để tất cả mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật, góp phần hình thành nên các giá trị văn hóa mới. Văn hóa nghệ thuật không phải chỉ thuộc về tầng lớp tinh hoa, trí thức, mà phải gần gũi với đông đảo quần chúng, phục vụ quần chúng.
“Khoa học hóa” theo Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, chống lại những xu hướng lập dị, thần bí, mê tín, dị đoan...
[Hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030]
Trong cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay, nguyên tắc này càng có giá trị thực tiễn. Chuyển đổi số, văn hóa số sẽ trở thành những công cụ quan trọng phát triển văn hóa dân tộc trong thời đại số, khai thác giá trị kinh tế của văn hóa thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước đồng thời lan tỏa sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế, làm cho người dân trên thế giới biết đến Việt Nam, yêu mến Việt Nam, ủng hộ các quyết định của Việt Nam và lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, du lịch đến Việt Nam.
Thông qua văn hóa, những thông tin, hình ảnh, giá trị tiêu biểu, tích cực về đất nước sẽ lan tỏa, tạo được cảm xúc tốt đẹp, lòng tin đối với cộng đồng quốc tế, qua đó tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Việt Nam, khẳng định uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
- Thưa bà, sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến văn hóa Việt dễ dàng lan tỏa song cũng là môi trường thuận lợi để lọt những sản phẩm văn hóa yếu kém ra nước ngoài, gây ra cái nhìn lệch lạc về văn hóa Việt Nam. Bà có suy nghĩ như thế nào về thực trạng này?
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa: Để giải quyết vấn đề này thì bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước, chúng ta cần chú trọng vấn đề ý thức con người. Để xây dựng ý thức, trách nhiệm công dân thì chúng ta nên trở lại câu chuyện về giáo dục văn hóa nghệ thuật.
Trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại,” trong đó nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi như tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lich sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của con người Việt Nam
Ở chiều ngược lại, trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, những nguy cơ xâm nhập của văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh, xâm lăng văn hóa từ các nền công nghiệp phát triển ngày càng hiện hữu. Con người càng cần được giáo dục kỹ càng về văn hóa, như một cơ thể khỏe mạnh mới có sức đề kháng với virus từ bên ngoài.
Đổi mới cách biểu đạt văn hóa
- Cục trưởng đã có nhiều trải nghiệm trong công tác quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Bà nhận thấy thế giới cảm nhận như thế nào về Việt Nam?
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa: Khi đi ra nước ngoài, tôi cảm thấy thế giới có nhu cầu và rất mong muốn hiểu biết thêm về Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài, các đối tác trong và ngoài nước để giới thiệu văn hoá Việt Nam một cách đa dạng nhất, phong phú nhất về cả nội dung và hình thức thể hiện.
Chúng ta không chỉ đưa ra nước ngoài các chương trình ca múa nhạc dân tộc truyền thống, mà cả âm nhạc cổ điển phương Tây, nhạc jazz hay âm nhạc đương đại. Bên cạnh các triển lãm ảnh về đất nước con người Việt Nam, các triển lãm mỹ thuật, thì các trưng bày hiện vật từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã cho công chúng quốc tế hiểu hơn về chiều sâu của nền văn hoá Việt Nam.
Chúng tôi cũng tham mưu tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện tầm cỡ thế giới như Triển lãm EXPO, Liên hoan phim Cannes, tổ chức các Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài...
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hoá đối ngoại, việc ta đăng cai tổ chức những sự kiện văn hoá nghệ thuật chất lượng cao, có tầm cỡ quốc tế chính tại Việt Nam cũng là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh quốc gia đến với du khách quốc tế.
- Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình quảng bá văn hóa Việt Nam?
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa: Có lẽ sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là lần Việt Nam sẽ tham dự Triển lãm thế giới EXPO tại Dubai (UAE) năm 2020. Đó là minh chứng rõ ràng của nguyên tắc “Dân tộc hóa,” Đại chúng hóa,” “Khoa học hóa” mà Đề cương về văn hóa Việt Nam đã nêu.
Nhà trưng bày của Việt Nam giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, những tinh hoa của Việt Nam, sự gắn kết giữa giá trị truyền thống và sự đổi mới hiện đại, kiến tạo tương lai.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mang áo dài, nón lá đi quảng bá mà đã lựa chọn một cách biểu đạt rất sáng tạo để kể câu chuyện về văn hóa dân tộc.
Chúng ta biết rằng mái vòm 360 độ Al Wasl là công trình được người dân UAE tự hào coi là biểu tượng. Các nước tham gia EXPO có thể trình chiếu nội dung quảng bá trên mái vòm nhưng đó cũng là một thử thách bởi không phải quốc gia hay vùng lãnh thổ nào cũng đủ điều kiện kỹ thuật để tranh thủ được cơ hội này bởi mái vòm Al Wasl sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay.
Vậy mà, chúng ta đã kịp viết nên một câu chuyện giới thiệu truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên" và những nét đẹp văn hóa Việt Nam để trình chiếu trên mái vòm Al Wasl. Chúng ta đã chứng minh được rằng sức mạnh công nghệ số của người Việt có thể sánh cùng thế giới. Giây phút lá cờ Việt Nam đỏ thắm trải rộng trên mái vòm 360 độ khiến mọi người choáng ngợp cũng là giây phút tôi vô cùng xúc động và tự hào.
Có thể nói những cố gắng của Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng khi tạo nên hiệu ứng truyền thông rất tốt tại EXPO 2020 Dubai. Nhà triển lãm Việt Nam đã trở thành một điểm đến ưa thích cho hàng trăm nghìn khách tham quan. Nhiều hãng thông tấn thế giới như CNN, Sky TV, Dubai TV... có chương trình về Nhà triển lãm Việt Nam. Đặc biệt, sau này có nhiều chính khách quốc tế chia sẻ với tôi rằng hình ảnh Việt Nam tại Dubai đã thôi thúc họ đến thăm Việt Nam.
- Thưa Cục trưởng, công tác quảng bá văn hóa Việt Nam có những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ?
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa: Văn hóa đối ngoại ngày càng khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong đường lối đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, với ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, khi triển khai công tác văn hóa đối ngoại đòi hỏi phải lựa chọn địa bàn ưu tiên.
Để có thể mở rộng ra các châu lục trên thế giới, Cục Hợp tác quốc tế luôn nỗ lực để vận động các nguồn xã hội hóa và sự bảo trợ, hỗ trợ của các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, ta cần tận dụng và phát huy những khuôn khổ có sẵn, ví dụ như việc tham gia các lễ hội hay liên hoan nghệ thuật quốc tế thường niên. Không chỉ nhận được sự hỗ trợ một phần từ ban tổ chức mà quan trọng hơn, chúng ta sẽ tiếp cận và vươn tới lượng công chúng đông đảo thường xuyên tham gia các kỳ lễ hội quốc tế.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Xem toàn bộ loạt tại đây:
Bài 1: Sức mạnh văn hóa Việt Nam – Mạch ngầm chảy suốt lịch sử dân tộc
Bài 2: ‘Soi’ vào Đề cương về văn hóa để bồi đắp ‘căn cước Việt Nam’
Bài 3: Khơi thông dòng chảy để văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế
Bài 4: Niềm tin ở những cánh chim mang hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài