Phương tiện giao thông tăng hơn 50% nhưng TNGT giảm trên 40%

09:04 - 11/12/2020

Tạp chí GTVT - Phương tiện giao thông tăng mạnh trên 50% trong giai đoạn 2016- 2020 song, TNGT giảm rất sâu cả 3 tiêu chí, minh chứng những thành tích đảm bảo TTATGT.

TVU01204
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020 và Năm ATGT 2020 sáng ngày 9/12, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, năng lực của kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện nhưng vẫn còn chậm hơn nhiều so với mức gia tăng nhanh chóng của nhu cầu vận tải và phương tiện giao thông. So với năm 2015, lượng phương tiện giao thông tăng mạnh, trong đó, số lượng ô tô đăng ký tính đến năm 2020 tăng 58,69% và số mô tô tăng 50,88%. Điều này tạo nên thách thức to lớn cho công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Dù phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, song, tình hình TTATGT trong 5 năm qua đã có những chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2011-2025. Đặc biệt năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người. Kết quả này khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao.

Nhiều mô hình bảo đảm TTATGT được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, góp phần giảm thiểu TNGT như: Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội triển khai tổ chức ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT đến các gia đình, cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, học sinh, sinh viên. Đắk Nông tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động về pháp luật giao thông đến nhân dân ở vùng sâu, vùng xa; An Giang nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán các hành vi vi phạm ATGT trên hệ thống đài phát thanh - truyền hình; Đồng Tháp với mô hình tuyên truyền, giáo dục cho người đến đăng ký xe và người vi phạm về TTATGT đến thực hiện quyết định xử phạt, tổ chức tuyên truyền cá biệt đối với thanh niên có biểu hiện vi phạm về TTATGT và cho ký cam kết; Bình Phước tổ chức trợ giúp pháp luật miễn phí về luật giao thông đường bộ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số;…

Một số địa phương đạt kết quả nổi bật trong kéo giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí trong 5 năm qua là: Long An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Long, Yên Bái, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Đăk Nông, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Nội. Đặc biệt, có 05 tỉnh giảm trên 30% cả 03 tiêu chí của năm 2019 so với năm 2015 là: Long An, Trà Vinh, Yên Bái, Bình Định, Đà Nẵng.

Còn tồn tại, hạn chế

Nhìn nhận về thực trạng hiện nay, ông Khuất Việt Hùng cho biết, tình hình TTATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ số người chết và bị thương  vì TNGT vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, TNGT đường thủy tăng cao về số vụ (tăng 7,27%) và số người chết (tăng 79,17%).

DSC03876
Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Vĩnh Phúc ngày 26/4.

Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải giảm sâu trong năm 2014-2015 nhưng từ năm 2016 đến nay, tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông ; tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương, chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, không chỉ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này được xác định gồm 5 vấn đề. Về công tác chỉ đạo, điều hành; công tác kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện Chỉ thị của Đảng, và Nghị quyết 12 của Chính phủ còn chưa thường xuyên, quyết liệt. Cùng với đó, một số văn bản QPPL về TTATGT ban hành chậm so với thời hạn quy định tại Nghị quyết số 12 của Chính phủ.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên, nội dung và hình thức tuyên truyền còn chưa phù hợp. Năng lực chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông tăng chậm hơn so với nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện. Công tác tổ chức giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, điều khiển giao thông còn hạn chế.

Ngoài ra, nhiều hành vi vi phạm quy định về TTATGT chưa được phát hiện và xử lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT và giám sát xử  phạt còn chậm, chưa đồng bộ. Sáu là, công tác thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT vẫn còn hạn chế; việc kết nối, chia sẻ, cập nhật thông tin giữa các lực lượng mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bước sang năm 2021 cũng là khởi đầu giai đoạn tiếp theo, với đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và quá trình hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ, nhu cầu vận tải hàng hoá, đi lại giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với thế giới sẽ trở nên nhộn nhịp hơn nhiều, phương tiện giao thông tăng nhanh, cùng với những sự kiện lớn trong nước và quốc tế diễn ra trên đất nước ta như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vào mùa xuân 2021, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.

http://www.phapluatgiaothong.vn/phuong-tien-giao-thong-tang-hon-50-nhung-tngt-giam-tren-40-d894